Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa nguồn điện vùng “quê lúa” đóng góp cho phát triển

Yến Nhi| 24/05/2022 07:10

(HNM) - Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đang bước vào cuộc đua mới trong “30 ngày đêm” hướng tới mốc đốt than lần đầu dự kiến vào ngày 16-6-2022. Phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn thử thách và để hoàn thành mục tiêu đặt ra, hơn một nghìn người lao động ngành Dầu khí đang “cháy” hết mình trên công trường vì một mục tiêu đưa nguồn điện từ vùng “quê lúa” phục vụ sự phát triển kinh tế, đời sống nhân dân.

Thi công các hạng mục công trình tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: Trung Hiếu

Dư âm của việc Tổ máy số 1 lần đầu tiên phát điện lên lưới điện quốc gia vẫn còn vang vọng trên công trường Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Những nụ cười hân hoan, những cái bắt tay thật chặt của hàng trăm cán bộ, kỹ sư trong nhiều sắc áo khác nhau như đang tiếp thêm lửa cho công trình nguồn điện vốn lận đận này.

Tính đến ngày hòa lưới đồng bộ (lúc 22h52 ngày 12-5-2022), liên tục 79 ngày đêm không nghỉ, kể cả các ngày lễ, Tết, công nhân, kỹ sư cùng hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ và cực kỳ phức tạp được tính toán đến từng phút, từng giây. Trong đó, cần phải nói thêm, việc nhà máy hòa lưới điện lần đầu không chỉ minh chứng toàn bộ hệ thống thiết bị máy móc gồm hàng trăm thiết bị, cấu kiện lớn, nhỏ khác nhau với công nghệ tiên tiến nhất thế giới do các quốc gia trong khối G7 sản xuất đều hoạt động tốt, mà còn là sự phối hợp nhịp nhàng và xử lý công nghệ cực kỳ chuẩn xác của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư vận hành đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam.

Đơn cử như mỗi lần khởi động toàn bộ nhà máy mất trung bình 3 giờ đồng hồ và luôn phải có hơn 400 công nhân, kỹ sư vận hành ứng trực. Toàn bộ các thông số kỹ thuật như nhiệt độ, áp suất của lò hơi, tốc độ quay của turbine, hệ thống điện dự phòng… đều phải đạt chuẩn và đặc biệt là phải ổn định trong thời gian từ 3 giờ trở lên. Nếu bất cứ một thiết bị nào bị “lạc nhịp”, đội ngũ vận hành phải hiệu chỉnh kịp thời, tìm bằng được "lỗi" ở đâu để có phương án xử lý nhanh và chính xác nhất. Bởi chỉ cần một thiết bị báo "lỗi" khiến hệ thống xảy ra độ chênh, trễ, sẽ khiến nhà máy không thể phát điện được... và thế là lại phải bắt đầu một chu trình khởi động trở lại.

Khó có thể nói hết những khó khăn, vất vả mà công nhân, cán bộ phụ trách kỹ thuật đã trải qua để dự án đạt được kết quả như hôm nay. Đó là thành công ngoài mong đợi của Ban lãnh đạo Tập đoàn, đáp ứng sự kỳ vọng của nhiều người. Hiện tại, với phương châm "Đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - hiệu quả", Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Ban Quản lý dự án, tổng thầu và các nhà thầu phụ đã và đang tập trung cao độ, huy động mọi nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đặt ra. Phát biểu tại sự kiện hòa lưới điện bằng dầu Tổ máy số 1, Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng đã nhấn mạnh, đây là mốc tiến độ quan trọng để hướng tới các mốc tiến độ tiếp theo và đưa nhà máy vào hoạt động thương mại trong năm 2022. Sau mốc hòa lưới điện Tổ máy số 1, khối lượng công việc rất lớn, Ban Quản lý dự án và tổng thầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ, phát huy tinh thần lao động sáng tạo, trách nhiệm để đưa tổ máy vào phát điện bằng than. “Trải qua một thời gian dài khó khăn do dịch bệnh, gián đoạn nguồn vật tư, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và đặc biệt là huy động nguồn nhân lực từ các nhà thầu nước ngoài… Để khắc phục khó khăn này, Ban quản lý dự án, tổng thầu và các nhà thầu phụ đã phối hợp chặt chẽ, thi đua lao động sản xuất để hoàn thành các mốc tiến độ” - ông Hoàng Quốc Vượng cho biết.

Nhấn mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là mốc đốt than lần đầu vào ngày 16-6, Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng nêu rõ dự án còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, Petrovietnam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tỉnh Thái Bình để sớm hoàn thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hằng năm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ cung cấp trên 7,2 tỷ kWh điện cho lưới điện quốc gia. Điều này không chỉ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Bình nói riêng và khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa nguồn điện vùng “quê lúa” đóng góp cho phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.