(HNM) - Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức 15 kỳ họp, ban hành 151 nghị quyết, trong đó có 80 nghị quyết chuyên đề. Công tác triển khai các nghị quyết vào đời sống được thực hiện thường xuyên, liên tục, đã tạo động lực phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Phổ biến rộng rãi, kịp thời đến cử tri và nhân dân
Từ đầu năm 2020 đến nay, HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức 3 kỳ họp (2 kỳ họp không thường kỳ) để kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách trên một số lĩnh vực. Nhiều chính sách quan trọng như quy định về mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và kế hoạch vốn ngân sách thành phố năm 2020 đợt 1… đã được ban hành.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, sau mỗi kỳ họp, HĐND thành phố đều phổ biến rộng rãi các nghị quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng của thành phố để cử tri và nhân dân theo dõi, cùng giám sát việc thực hiện. UBND thành phố và các cấp, ngành, địa phương, đơn vị đã chủ động triển khai tổ chức thực hiện, bảo đảm các nghị quyết đi vào cuộc sống một cách sớm nhất. HĐND thành phố cũng tích cực giám sát, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, khó khăn của cơ sở khi triển khai để kịp thời điều chỉnh, đưa nghị quyết phát huy hiệu quả cao nhất.
Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hoàng Thị Tú Anh chia sẻ, qua khảo sát việc triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ “Về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” và Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND ngày 15-5-2020 của HĐND thành phố Hà Nội về “Quy định một số cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội” cho thấy, UBND thành phố và chính quyền các địa phương đã tích cực triển khai đến đúng đối tượng thụ hưởng, đến nay không có sai sót.
“Chính sách của thành phố còn có sức lan tỏa, một số quận, huyện huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ một số đối tượng đặc thù. Đơn cử như huyện Sóc Sơn đã trích nguồn vận động Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 để giúp đỡ 432 giáo viên ngoài công lập, với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng”, bà Hoàng Thị Tú Anh cho biết thêm.
Ông Đỗ Quang Anh (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) cho rằng: “Việc ban hành Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND là rất kịp thời, giúp người dân vơi bớt khó khăn. Qua đây, củng cố thêm niềm tin của cử tri và nhân dân với Đảng, chính quyền”.
Phát huy vai trò giám sát
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, để nhận biết nghị quyết đi vào cuộc sống đạt hiệu quả ở mức độ nào thì vai trò giám sát là rất quan trọng. Chính vì thế, từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, HĐND thành phố đã tổ chức 8 cuộc chất vấn và trả lời chất vấn, 13 cuộc giám sát của HĐND thành phố, 5 cuộc giám sát của Thường trực HĐND thành phố, 147 cuộc giám sát, khảo sát của các ban và 60 cuộc giám sát của các tổ đại biểu HĐND thành phố.
“Qua giám sát, ngoài ghi nhận kết quả, HĐND thành phố còn phát hiện những bất cập, vướng mắc phát sinh, kịp thời đề xuất, kiến nghị giải pháp để Thành ủy, UBND thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hiệu quả hơn”, bà Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.
Đơn cử như sau đợt giám sát về kết quả việc thực hiện nghị quyết phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, Thường trực HĐND thành phố đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ. Vì vậy, đến tháng 6-2020, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, đánh giá tổng thể, toàn diện các quy định phân cấp quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn, kịp thời báo cáo UBND thành phố sửa đổi các quy định chưa phù hợp.
Hay như những kiến nghị qua đợt giám sát về thực hiện Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND ngày 4-12-2018 của HĐND thành phố về thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo có hiệu lực pháp luật gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” của Ban Pháp chế HĐND thành phố cũng được UBND thành phố có văn bản tiếp thu.
“Từ nay đến hết năm 2020, ngoài thực hiện giám sát theo kế hoạch, HĐND thành phố sẽ tập trung giám sát một số vấn đề dân sinh bức xúc qua nắm bắt từ công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri và dư luận quan tâm. Công việc này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử và tiếp tục đưa các nghị quyết của HĐND thành phố vào cuộc sống”, Chánh Văn phòng HĐND thành phố Hà Nội Lê Minh Đức cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.