Góc nhìn

Đưa du lịch “cất cánh” bay xa

Quỳnh Anh 18/11/2023 - 06:35

Việt Nam có hơn 40.000 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh; nhiều địa điểm nằm trong danh sách những bãi biển, vịnh đẹp nhất thế giới và châu Á như Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Nha Trang (Khánh Hòa), Hạ Long (Quảng Ninh), Cửa Đại (Quảng Nam), Mũi Né (Bình Thuận)… Với những lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, thiên nhiên, con người và bản sắc văn hóa, có thể nói, Việt Nam có nhiều thuận lợi, tiềm năng lớn để phát triển du lịch.

Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, du lịch Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế, đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Theo thống kê, trước đại dịch Covid-19 (năm 2019), du lịch đóng góp gần 10% GDP cả nước; tạo việc làm ổn định cho hàng triệu lao động. Sau dịch Covid-19, du lịch đã từng bước phục hồi và phát triển. Ước tính, 10 tháng của năm 2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt người, khách du lịch nội địa đạt 99 triệu lượt người. Tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng. Du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế.

Dù có nhiều khởi sắc, nhưng du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm (khách du lịch quốc tế trong 10 tháng của năm 2023 mới chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước dịch Covid-19). Khách du lịch nội địa, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đang có dấu hiệu chững lại. Một số thị trường trọng điểm truyền thống mở cửa từng bước, chưa lấy lại tốc độ tăng trưởng.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh, phát triển du lịch bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phấn đấu đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700-1.800 nghìn tỷ đồng, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12-14%; đến năm 2030, tổng thu từ khách du lịch đạt 3.100-3.200 nghìn tỷ đồng, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15-17%; đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa… Mục tiêu này chỉ có thể được hiện thực hóa trên cơ sở tranh thủ những cơ hội, khắc phục những thách thức để du lịch Việt Nam phục hồi, phát triển nhanh và bền vững như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững diễn ra ngày 15-11 vừa qua, đó là: “Ngành Du lịch còn gặp nhiều khó khăn nhưng cũng có không ít thời cơ và thuận lợi. Vấn đề là phải cùng nhau khai thác tốt nhất các cơ hội, nhận diện, hóa giải khó khăn, vượt qua thách thức”.

Rõ ràng, Việt Nam có nhiều cơ hội để ngành Du lịch “cất cánh” bay xa. Trước tiên là cơ hội gia tăng tiếp cận nguồn khách quốc tế khi Việt Nam đã, đang hội nhập sâu, toàn diện với khu vực và thế giới. Tiếp đó, Việt Nam là nước ổn định, an toàn về an ninh, chính trị, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ ngành Du lịch phát triển. Công tác quảng bá du lịch được đẩy mạnh, đặc biệt là trên các nền tảng số… Ngược lại, thách thức mà ngành Du lịch đang phải đối mặt là cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ giữa các vùng, nhiều điểm du lịch xuống cấp, dịch vụ đi kèm chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Nhân sự ngành Du lịch thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là nhân sự được đào tạo bài bản...

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở nhận diện rõ thời cơ và thuận lợi, chúng ta cần đổi mới tư duy, cách làm với những biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện “liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện”, từng bước xây dựng các mô hình sản phẩm mới độc đáo, hấp dẫn, phù hợp đặc trưng từng vùng miền, cũng như đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ, khai thác những lợi thế khác biệt để phục hồi ngành Du lịch, tạo sự phát triển đột phá trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn phải đặt trong tổng thể phát triển chung của các ngành kinh tế có liên quan; phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa, phát triển du lịch xanh, bền vững.

Việt Nam đang tích cực tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Du lịch có phát triển nhanh, bền vững hay không phụ thuộc nhiều vào quyết tâm chính trị của chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương, sự phối kết hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp làm du lịch, sự vào cuộc của người dân với tinh thần “mỗi người dân là một đại sứ du lịch”. Chung sức, đồng lòng, cùng nhau hóa giải khó khăn, thách thức, du lịch Việt Nam sẽ tận dụng được thời cơ và thuận lợi để “cất cánh” bay xa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa du lịch “cất cánh” bay xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.