(HNM) - Dự án Nhiệt điện dầu khí Thái Bình 2 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang dần khởi sắc. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đến nay, dự án đang ở những công đoạn cuối cùng để sớm hồi sinh, qua đó thể hiện nỗ lực tuyệt vời của người lao động dầu khí.
Trong quá trình xây dựng, dự án Nhiệt điện dầu khí Thái Bình 2 phải đối mặt với diễn biến phức tạp từ những vấn đề đến từ quá khứ và sai lầm của một số cá nhân của Tổng thầu dự án. Ngay trong giai đoạn 2015-2016, Ban Quản lý dự án đã dự đoán được tình hình về cuối dự án sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn tài chính và nhân sự từ Tổng thầu nên đã tổ chức hàng trăm cuộc họp, tổng hợp ý kiến, giải trình lên các cấp nhưng hầu hết đều gặp phải vướng mắc về cơ chế, pháp luật.
Trước tình hình này, Petrovietnam mà đại diện là Ban Quản lý dự án đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp để gỡ khó cho dự án. Ban đầu, kiến nghị gồm hàng chục vấn đề cần tháo gỡ, sau dần rút lại chỉ còn 1 kiến nghị duy nhất là xin phép để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sử dụng vốn của Tập đoàn hoàn thành dự án.
Sau khi được đồng ý, Tập đoàn đã thành lập Ban Chỉ đạo đặc biệt về dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 để quyết định hoặc đề xuất các giải pháp cấp bách theo thẩm quyền, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đã đặt ra là đưa nhà máy vào vận hành trong thời gian sớm nhất. Trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, Tập đoàn phân công một thành viên Hội đồng thành viên làm Trưởng ban, một Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam làm Phó Trưởng ban cùng 22 thành viên là lãnh đạo các đơn vị, tổ chức chính trị của Tập đoàn. Ban Chỉ đạo đặc biệt của Tập đoàn khuyến khích khen thưởng kịp thời các cán bộ có trách nhiệm hoàn thành công tác trong quá trình triển khai dự án.
Tập thể lãnh đạo Tổng thầu PETROCONs bao gồm Ban Thường vụ Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại PETROCONs có trách nhiệm triển khai ngay các giải pháp cấp bách thúc đẩy dự án. Trong đó, đồng chí Tổng Giám đốc PETROCONs có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho dự án; kịp thời báo cáo lãnh đạo Tập đoàn những khó khăn, vướng mắc để được hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết trong quá trình thực hiện.
Trên cơ sở quyết định của Tập đoàn, sự nỗ lực của các đơn vị thành viên và người lao động dầu khí, tính đến ngày 29-10-2022, dự án còn 63 ngày nữa là phải hoàn thành và tiến độ tổng thể đã đạt 96,95%. Theo Phó Trưởng ban Quản lý dự án Nhiệt điện dầu khí Thái Bình 2 Mai Văn Long, hiện nay, các hệ thống thiết bị đang thi công trong Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã cơ bản hoàn thành và vận hành chạy thử. Trong đó, một số hạng mục đáng chú ý như hệ thống bốc dỡ vận chuyển than đang được PETROCONs, nhà thầu phụ tăng cường nhân lực đẩy nhanh tiến độ. Nhà thầu vận hành chạy thử FLS cũng đang tăng ca, tăng nhân sự để giảm thời gian chạy thử. Trạm bơm nước hồi đã hoàn thành lắp đặt đường ống, đang triển khai lắp đặt bồn hóa chất, bơm và các thiết bị điện điều khiển, đường ống trong nhà dự kiến hoàn thành ngày 10-11.
Thông tin thêm về tiến độ dự án, Tổng Giám đốc PETROCONs Phan Tử Giang cho biết, phần lắp đặt thiết bị, vận hành chạy thử trong nhà máy đã cơ bản hoàn thành, trong đó, các thiết bị chính như lò hơi, thiết bị các hệ thống phụ trợ, máy nghiền than, hệ thống vận chuyển than… đều hoạt động tốt. Các vấn đề phát sinh đều có giải pháp tối ưu để xử lý. Thời gian qua, Tổng thầu cùng các nhà thầu chạy thử đã vận hành Tổ máy số 1 bằng than lên công suất 235MW. Dự kiến ngày 5-11, nhà máy sẽ bắt đầu vận hành nâng tải Tổ máy số 1, khoảng 20 ngày sau sẽ bắt đầu vận hành bằng than Tổ máy số 2.
Cùng với việc ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên Ban Quản lý dự án, Tổng thầu và các nhà thầu trên công trường, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, đây là giai đoạn rất quan trọng, tập thể cán bộ, công nhân viên trên công trường tiếp tục cố gắng triển khai để Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 thực sự là điểm sáng của nền kinh tế.
Ông Lê Mạnh Hùng yêu cầu Ban Quản lý dự án, Tổng thầu PETROCONs và các nhà thầu cần cập nhật, thống nhất, quán triệt kế hoạch, mục tiêu dự án trong ngắn hạn và dài hạn; trên cơ sở kế hoạch cần phân tích rủi ro, cơ hội; hoàn thiện công tác lắp đặt, chạy thử; tổ chức bộ máy chuẩn bị sản xuất vận hành đồng bộ và sẵn sàng chuyển giao phát điện thương mại; thực hiện nhanh và đầy đủ các thủ tục pháp lý chuyển giao nhà máy; chuẩn bị chu đáo về tài chính, trong đó chủ yếu là mua than, vật tư chính, hóa chất… Bên cạnh đó, yêu cầu nhà thầu Thanh Đảo Sotec phải huy động đủ nhân lực vận hành chạy thử nhà máy và nhân lực có kinh nghiệm để đề phòng các trường hợp khẩn cấp và xử lý sự cố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.