(HNMO) - Thành phố Hồ Chí Minh là nơi giao thoa, hội tụ và lan tỏa văn hóa đặc trưng phương Nam, đồng thời là địa phương thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Thành phố đang triển khai nhiều giải pháp để xây dựng và phát triển đờn ca tài tử thành sản phẩm du lịch.
292 hội nhóm đờn ca tài tử đang hoạt động
Theo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 292 câu lạc bộ, đội nhóm đờn ca tài tử với 3.017 thành viên, trong đó có 4 Nghệ nhân ưu tú, 2 Nghệ nhân nhân dân.
Đơn cử, tại xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, Câu lạc bộ đờn ca tài tử ấp Xóm Huế là nhóm đờn ca tài tử đầu tiên được thành lập từ năm 2013. Thành viên của nhóm gồm 11 nghệ sĩ không chuyên, ban ngày bận rộn mưu sinh, buổi tối gặp mặt định kỳ để chia sẻ đam mê. Vào tối thứ sáu hằng tuần, các thành viên lại tập trung để hát cho nhau nghe, trò chuyện trao đổi về kỹ thuật đờn, ca.
Ông Trần Thanh Sang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đờn ca tài tử xã Tân An Hội chia sẻ: "Câu lạc bộ lúc mới thành lập gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên với sự hỗ trợ của xã, niềm yêu thích của các thành viên, đã ngày càng phát triển. Ngoài các buổi sinh hoạt định kỳ, câu lạc bộ còn phục vụ văn nghệ vào dịp lễ, Tết, ngày hội lớn và các điểm du lịch của xã...".
Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải, nguyên Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh cho hay, việc ngày càng có nhiều nhóm đờn ca tài tử xuất hiện, các buổi biểu diễn được thường xuyên tổ chức với nhiều quy mô khác nhau cho thấy loại hình nghệ thuật này đang trỗi dậy mạnh mẽ, nhất là khi UNESCO ghi danh đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đưa đờn ca tài tử vào du lịch
Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải nhận định: "Việc khai thác giá trị của nghệ thuật đơn ca tài tử đưa vào các chương trình du lịch sẽ góp phần to lớn trong việc quảng bá hình ảnh dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế".
Theo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn hiện có nhiều nơi kết hợp đờn ca tài tử với các hoạt động khác. Nổi bật trong số này là Bảo tàng Áo dài Việt Nam (thành phố Thủ Đức) và Khu du lịch Bình Quới (quận Bình Thạnh).
Tại Bảo tàng Áo dài, vào ngày rằm hằng tháng, có tổ chức chương trình ngắm trăng, nghe đờn ca tài tử, kết hợp thưởng thức bánh quê, cháo đậu... Sắp tới, bảo tàng sẽ đưa đờn ca tài tử vào kết hợp các phiên chợ quê để tổ chức vào các dịp cuối tuần.
Khu du lịch Bình Quới, quận Bình Thạnh cũng đưa dòng nhạc dân tộc này kết hợp với chương trình thưởng thức ẩm thực vào cuối tuần và ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ của du khách. Phó Giám đốc khu du lịch Bình Quới Trương Minh Hậu cho rằng, cần đẩy mạnh việc quảng bá văn hóa của vùng đất, con người Nam Bộ thông qua đờn ca tài tử để xây dựng thương hiệu du lịch độc đáo của thành phố.
Ở quy mô nhỏ hơn, Tổ hợp tác xã vườn trái cây Trung An (xã Trung An, huyện Củ Chi) cũng thu hút du khách đến vườn bằng loại hình nghệ thuật này. Theo đó, trên lộ trình tham quan những vườn cây ăn trái, du khách có quãng thời gian nghỉ ngơi tại vườn, vừa thưởng thức trái cây, vừa nghe đờn ca tài tử.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy thông tin, từ nay đến năm 2025, Sở sẽ biên tập sách về quá trình hình thành và phát triển đờn ca tài tử tại thành phố; đào tạo, bồi dưỡng lớp nghệ sĩ kế cận tiếp tục phổ biến và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian này.
Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị UBND thành phố tổ chức thực hiện không gian giới thiệu và trình diễn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ định kỳ và thường xuyên tại một số địa điểm cố định, phục vụ du khách trong và ngoài nước…
Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, từ năm 2018, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Đề án Bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử, trong đó có nội dung gắn với du lịch để quảng bá loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua khiến đề án trên chưa được triển khai hiệu quả.
“Giờ đây, dịch Covid-19 đã cơ bản được không chế; các hoạt động văn hóa, du lịch được nối lại. Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh việc đưa đờn ca tài tử đến với đông đảo các tầng lớp quần chúng nhân dân và du khách, để dòng nhạc dân tộc thực sự “sống” giữa lòng đô thị”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.