Văn hóa

Đưa di sản tư liệu đến với công chúng: Vai trò quan trọng trong việc lưu giữ di sản

Quỳnh Dương 13/01/2024 18:47

Càng ngày vai trò của công tác lưu trữ tư liệu càng được đề cao. Phần việc này không chỉ giúp cung cấp bằng chứng xác thực về mọi mặt của lịch sử, mà còn đóng góp đắc lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

vh5.jpg
Đại học Mỹ tại Cairo thường xuyên tổ chức trưng bày tư liệu quý hiếm để công chúng tham quan, tìm hiểu.

Trước đây, tài liệu lưu trữ thường ít khi được sử dụng và được chuyển xuống tầng hầm của các thư viện. Tuy nhiên, đó là cách thể hiện tầm nhìn hạn chế về không gian lưu trữ. Hiện nay, vai trò cũng như tầm quan trọng của lưu trữ được coi là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, đặc biệt là trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Bày tỏ quan điểm về lĩnh vực này, đại diện Hội Văn hóa, Di sản và Nghệ thuật Scotland (CHARTS) cho biết, lưu trữ là một cách để mọi người tương tác với quá khứ nhằm hiểu rõ hơn về bối cảnh văn hóa và lịch sử cũng như không gian, địa điểm của một sự kiện hoặc di sản. Đây cũng là một cách giúp con người củng cố kiến thức, tìm lại những câu chuyện ẩn giấu và đa dạng thông qua dòng chảy từ quá khứ, đồng thời bổ khuyết các tài liệu mới chưa từng phát hiện trước đây.

Đối với CHARTS, lưu trữ là một phần không thể thiếu trong công việc của họ. Các nghệ sĩ, nhà sản xuất có thể lưu trữ theo hình thức cá nhân khi ghi lại quy trình, dự án trước đây thông qua việc sử dụng ảnh, video và tài liệu bằng văn bản. Còn những người làm công tác di sản có thể sử dụng các kho lưu trữ vật lý và kỹ thuật số để thu hút công chúng tham gia sưu tầm, hướng tới việc bảo tồn kiến thức ở địa phương.

Một trong những dự án đáng chú ý mà CHARTS đang triển khai liên quan tới nỗ lực phát huy giá trị di sản thông qua kho tư liệu lưu trữ là Dunoon Goes Pop. Dự án được khởi động vào năm 2019. Khi tổ chức trưng bày một triển lãm lịch sử dưới hình thức con đường di sản, những tư liệu về Nhà máy nước giải khát của George Stirling đã khiến các chuyên gia chú ý và nảy sinh ý tưởng khôi phục quy trình sản xuất nước giải khát tại địa phương.

Sau 4 năm triển khai, Dunoon Goes Pop thu hút nhiều người dân địa phương tham gia. Họ hào hứng trồng cây đại hoàng để lấy nguyên liệu sản xuất nước uống. Các tình nguyện viên cũng có thể tham gia thu thập và chia sẻ những câu chuyện xung quanh di sản nhà máy nước giải khát, tìm hiểu về lịch sử của cây đại hoàng... Nếu thành công, Dunoon Goes Pop còn giúp thu hút khách du lịch tới trải nghiệm, qua đó nâng cao đời sống kinh tế của người dân trong vùng.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), di sản tư liệu giữ vai trò không thể thiếu trong việc lưu giữ ký ức chung của nhân loại. Đó là nguồn tài nguyên quan trọng giúp chúng ta học hỏi từ quá khứ, từ các kiến thức văn hóa truyền thống đến tổ chức xã hội, thậm chí là cách thức giải quyết các cuộc khủng hoảng. Ngày nay, nhiều vật phẩm, tài liệu và bộ sưu tập nguyên bản đang bị đe dọa vì bị cướp bóc và phân tán, buôn bán bất hợp pháp, cố ý phá hủy, không đủ kho lưu trữ và thiếu kinh phí. Do đó, cần có chiến lược mới để hỗ trợ bảo tồn di sản tư liệu.

Để khuyến khích công tác bảo tồn di sản tư liệu, năm 2004, UNESCO đã phát động Giải thưởng Ký ức thế giới Jikji. Giải thưởng được đặt theo tựa đề cuốn sách Phật giáo của Hàn Quốc được in bằng bảng in kim loại đầu tiên trên thế giới (năm 1377). Gần đây nhất, tháng 9-2023, Đại học Mỹ tại Cairo (Ai Cập) - AUC đã được UNESCO vinh danh và trao Giải thưởng Ký ức thế giới Jikji năm 2022 vì những đóng góp cho nỗ lực lưu trữ các bộ sưu tập đặc biệt, sách quý hiếm trong thư viện.

Được thành lập từ năm 1919, AUC đã tích cực tham gia vào công tác lưu trữ, bảo tồn di sản văn hóa từ những năm 1950 bằng cách thu thập và bảo tồn nhiều cuốn sách, bản vẽ, tài liệu quý hiếm khác của Hồi giáo và Ai Cập. Nhờ liên tục nâng cấp và đổi mới công tác lưu trữ, AUC đã giúp công chúng dễ dàng tiếp cận.

Nói về vai trò của thư viện tại các trường đại học và cơ sở học tập trong việc bảo tồn và chia sẻ di sản tài liệu, Heba Sayed, Giám đốc Đánh giá quy hoạch và phát triển kinh doanh của AUC cam kết “AUC-LLT-RBSCL sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ để xác định, lưu giữ, bảo tồn và chia sẻ những ghi chép và câu chuyện về những người đã góp phần thay đổi thế giới mà nhiều khi không được trình bày trong các ghi chép lịch sử chính thống”.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay chia sẻ: “Thư viện sách hiếm và bộ sưu tập đặc biệt của Đại học Mỹ tại Cairo là một minh chứng mạnh mẽ cho thấy, di sản tư liệu được bảo tồn tốt và dễ tiếp cận có thể trở thành nguồn gốc cho sự hiểu biết về lịch sử cũng như văn hóa giữa các khu vực trên thế giới”.

Các chuyên gia UNESCO cho rằng, các tài liệu nằm trong lưu trữ chỉ là một phần ký ức nhân loại, còn phần lớn nằm trong cộng đồng. Vì thế, việc tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận kho tư liệu và vận động cộng đồng chia sẻ tài liệu là hành động thiết yếu để hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu ngày càng đạt được những thành tựu có ý nghĩa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa di sản tư liệu đến với công chúng: Vai trò quan trọng trong việc lưu giữ di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.