Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa bệnh nhi khám, chữa vượt tuyến: Lợi bất cập hại

Tuệ Diễm| 07/10/2015 07:34

(HNM) - Sốt xuất huyết, tay chân miệng, hô hấp là những bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ. Tất cả các cơ sở y tế ở địa phương đều có trách nhiệm khám và điều trị. Thế nhưng, các bậc phụ huynh lại chọn cách đưa con lên bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối ở TP Hồ Chí Minh chấp nhận nằm ghép, nằm vật vờ tại hành lang.

Đưa con vượt tuyến để... nằm hành lang

Mới sáu tháng tuổi, bé N.L.T bị bệnh viêm đường hô hấp và được bố mẹ đưa từ Vĩnh Long lên Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh để chữa bệnh. Sau hai ngày nằm điều trị tại hành lang bệnh viện, bé T được chuyển vào phòng nhưng chị Ngô Thu Thảo, mẹ bé cho biết: "Thà ở hành lang còn có chỗ nằm, chứ vào trong phòng    2-3 cháu, có khi 5 cháu chung một giường". Tương tự anh Nguyễn Thành Trung ở Quận 9, TP Hồ Chí Minh cũng đem con trai bị tay chân miệng lên điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 mà không qua thăm khám điều trị tại bất cứ cơ  sở y tế nào tại Quận 9. Do nằm  ở hành lang, mỗi lần có y tá đến phòng chích, phát thuốc, anh Trung lại nhấp nhổm đứng ngồi không yên vì sợ con bị quên. Khi chúng tôi hỏi lý do vì sao không để trẻ nằm điều trị tại bệnh viện quận, anh Trung cho biết: "Hai vợ chồng mới có một con, điều trị tại đây cho an tâm". 

Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 là hai bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối của khu vực miền Nam. Hai bệnh viện thực hiện chức năng chữa trị bệnh nhi nặng chuyển từ bệnh viện tuyến tỉnh, nhưng thực tế, 70% bệnh nhi nhập viện lại có bệnh lý bình thường, có thể điều trị được tại các cơ sở tuyến tỉnh, quận, huyện. Ông Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trong tuần từ ngày 29-9 đến ngày 4-10, bệnh viện tiếp nhận 400 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện nhưng chỉ 120 trường hợp nặng. Bệnh tay chân miệng có 860 bệnh nhi nhập viện, nhưng chỉ 10 trường hợp bệnh nặng. Như vậy, đủ để biết số     phụ huynh "trốn" tuyến tỉnh, tuyến quận đưa con lên bệnh viện tuyến cuối cao thế nào. Vẫn theo ông Minh, hiện bệnh viện đang điều trị cho 2.099 bệnh nhân, trong khi chỉ có 1.400 giường. 

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, tình hình bớt căng thẳng hơn nhưng 1.700 giường bệnh nội trú đang phải "gánh" 2.000 bệnh nhân điều trị.

Khó khắc phục

BS Lê Thị Bích Liên - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 thừa nhận, để trẻ điều trị tại hành lang và nằm ghép, mức độ quá đông dẫn đến việc bệnh nhân đến điều trị một bệnh, nhưng mắc thêm một số bệnh khác do lây nhiễm chéo. 

Hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ mới dám cam kết thí điểm ở một khoa không để bệnh nhân nằm ghép sau 48 giờ nhập viện. Nhưng đây là Khoa Bệnh thận - Nội tiết. Trong khi số bệnh nhân nhập viện ồ ạt do mắc 3 bệnh chính là tay chân miệng, hô hấp và sốt xuất huyết. Dự kiến đến năm 2017 thì mới dám cam kết có thêm một số khoa không để bệnh nhân nằm ghép. Theo Ban Giám đốc Bệnh viện dự đoán, số trẻ nhập viện sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Và như thế, tình trạng bệnh nhi phải nằm ghép, nằm vật vạ ở hành lang không thể khắc phục. 

Theo BS Lê Thị Bích Liên cho biết: "Hiện nay, mỗi gia đình chỉ sinh 1 đến 2 con, nên khi trẻ mới nóng sốt họ cũng ẵm từ tuyến tỉnh lên bệnh viện chuyên khoa nhi của TP Hồ Chí Minh, chấp nhận điều trị trái tuyến. Không phải chúng tôi vô trách nhiệm để bệnh nhi nằm vất vưởng tại hành lang, nhưng bệnh viện đã quá tải... Chỉ mong các bậc phụ huynh nâng cao nhận thức về y tế, an tâm để trẻ điều trị tại tuyến y tế cơ sở".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa bệnh nhi khám, chữa vượt tuyến: Lợi bất cập hại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.