Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự trữ xăng, dầu: Hàng loạt vấn đề cần tháo gỡ

Bảo Hân| 08/05/2023 06:34

(HNM) - Là mặt hàng vật tư chiến lược có tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nên khâu dự trữ xăng, dầu, bảo đảm nguồn cung, tránh gây biến động thị trường có tầm quan trọng đặc biệt. Tuy nhiên, lượng xăng, dầu dự trữ quốc gia hiện ở mức thấp cùng với nhiều khó khăn, bất cập trong cơ chế hỗ trợ để đầu tư hạ tầng, công tác này đang đặt ra nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

Tháo gỡ khó khăn cho công tác dự trữ xăng dầu quốc gia là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới luôn tiềm ẩn nhiều biến động.

Nguồn dự trữ còn khiêm tốn 

Theo Bộ Công Thương, từ năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp đầu mối cơ bản thực hiện đúng quy định dự trữ lưu thông, bảo đảm đủ hàng cho hệ thống phân phối xăng, dầu trong nước. Tuy nhiên, lượng dự trữ xăng dầu quốc gia vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế. Mức bình quân 5 năm qua khoảng hơn 370.000m3/năm, chỉ tương đương 9 ngày nhập khẩu ròng và 6,5 ngày tiêu thụ. Việc duy trì lượng hàng dự trữ lưu thông 20 ngày tiêu thụ theo quy định có những thời điểm không đạt, nhất là khi nhu cầu tăng đột biến. 

Nguyên nhân là do giá xăng, dầu tăng cao khiến chi phí dự trữ tăng. Giá bán hiện không gồm chi phí dự trữ nên doanh nghiệp phải giảm tối đa hàng lưu kho. Trong khi đó, người tiêu dùng thường có tâm lý đổ xô đi mua khi có thông tin giá sắp tăng, thế giới bất ổn về nguồn cung hoặc nguồn cung trong nước có vấn đề..., dẫn đến việc điều hành cung ứng xăng, dầu gặp nhiều khó khăn. 

Cũng theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện có hơn 30 doanh nghiệp đầu mối, vận hành khoảng 98% quy mô sức chứa của hệ thống dự trữ. Các doanh nghiệp vốn nhà nước có tổng sức chứa khoảng trên 3 triệu mét khối (chiếm 63%), với chủ lực là Tập đoàn Xăng đầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và Tổng công ty Xăng dầu quân đội. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổng sức chứa khoảng gần 2 triệu mét khối (chiếm 37%). 

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Giang cho biết, hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng, dầu, khí đốt đã được đầu tư tương đối đầy đủ, góp phần bảo đảm nguồn cung xăng, dầu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của xã hội cả trong điều kiện bình thường cũng như khi thị trường có biến động. Qua đánh giá cho thấy, đa số vốn đầu tư hạ tầng kho xăng, dầu thời gian qua không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. “Nguồn đầu tư chủ yếu từ vốn của doanh nghiệp, cụ thể là 30% vốn của chủ đầu tư và 30% là vốn của các tổ chức tín dụng tài trợ”, ông Nguyễn Hoàng Giang nêu.

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Phát biểu tại tọa đàm “Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng, dầu góp phần bảo đảm nguồn cung - những vấn đề đặt ra” do Báo Đại biểu nhân dân vừa tổ chức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, không phải ngẫu nhiên mà Bộ Chính trị cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều nghị quyết, luật, nghị định, thông tư, các quy định khác nhau liên quan đến an toàn dự trữ xăng, dầu. 

“Năm 2022, khi nguồn cung ứng xăng, dầu đứt gãy, yêu cầu dự trữ xăng, dầu càng cấp bách. Hiện nay, doanh nghiệp gặp khó khăn trong dự trữ vì họ kinh doanh nhiều mặt hàng xăng, dầu và chi phí xây dựng kho dự trữ lớn. Do đó, trước mắt cần phải có sự vào cuộc của các cấp, ngành để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là về vốn cho các dự án xây dựng kho dự trữ còn dang dở để hoàn thành trong thời gian sớm nhất”, ông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra giải pháp. 

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dầu khí Sơn Hải Nguyễn Đức Hạnh nêu, để các doanh nghiệp đầu tư bài bản hệ thống hạ tầng dự trữ xăng, dầu rất khó bởi cần nguồn lực tài chính lớn trong khi thường gặp khó khăn khi đi vay vốn. Thực tế, nếu doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thì phải trả lãi suất cao vì giá trị mặt hàng xăng, dầu rất lớn. “Công ty cổ phần Dầu khí Sơn Hải loay hoay hơn nửa năm 2022 làm kho xăng, dầu trữ lượng 35.000-40.000m3 với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, nhưng khi cân đối tài chính, cân đối dự trữ xăng, dầu, vay vốn ngân hàng rất khó, các ngân hàng không chấp nhận, vì đầu vào hoàn toàn theo kinh tế thị trường nhưng đầu ra do nhà nước điều hành. Lợi nhuận kinh doanh xăng, dầu rất “mỏng”, trong khi rủi ro rất cao. Mặt hàng xăng, dầu nếu một vài ngày không bán được là lỗ, rất khắc nghiệt. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu mấy năm nay gặp nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ thực tiễn.

Cũng theo phản ánh từ một số doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, để có thể xây dựng được hệ thống dự trữ xăng, dầu hiệu quả, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ việc đầu tư xây dựng. Đồng thời, các cấp, ngành cần nghiên cứu, cởi gỡ “nút thắt” hiện nay trong cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng, dầu, bảo đảm tính đủ chi phí, bám sát diễn biến thị trường. 

Rõ ràng, với nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn khiêm tốn, việc huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng, dầu là cần thiết. Trong quy hoạch hạ tầng cung ứng, dự trữ xăng, dầu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra giải pháp huy động vốn đầu tư xã hội, ưu tiên nguồn lực của ngân sách nhà nước cho khâu dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, chính sách để thu hút hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng, dầu vẫn cần được tính toán và thiết lập để sớm có lộ trình phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên cũng như an ninh năng lượng quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự trữ xăng, dầu: Hàng loạt vấn đề cần tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.