(HNM) - Trước thông tin trái chiều về hình thức kỷ luật học sinh tại một trường học ở thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên tiếng khẳng định hình thức này không còn phù hợp và cho biết đang hoàn thiện dự thảo quy định về khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh phổ thông để thay thế quy định hiện hành. Quan điểm của dự thảo là tăng tính dân chủ, tôn trọng và coi trọng giáo dục tích cực, nhằm động viên học sinh tiến bộ...
Tôn trọng và bao dung
Những ngày qua, thông tin về một học sinh ở thành phố Hồ Chí Minh do có phát ngôn chưa phù hợp trên mạng xã hội bị kỷ luật bằng hình thức đọc bản kiểm điểm, nhận lỗi trước toàn trường, bị đình chỉ học 4 ngày kèm theo việc phải lao động công ích trong thời gian bị đình chỉ học đã dấy lên những ý kiến trái chiều. Trong khi một số ý kiến đồng tình, cho rằng đây là những hình thức nằm trong khung quy định kỷ luật học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì không ít người cho rằng hình thức kỷ luật như vậy không phù hợp và có thể tác động tiêu cực đến học sinh.
Hiện, căn cứ để xem xét khen thưởng hoặc kỷ luật học sinh là Thông tư số 08/TT của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông” ban hành ngày 21-3-1988. Theo bà Nguyễn Thị Kim Xuân, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quảng An, quận Tây Hồ, những quy định tại Thông tư số 08/TT ban hành cách đây đã 31 năm đến nay đã không còn phù hợp. Thực tế, các nhà trường trên địa bàn Hà Nội không còn áp dụng cứng nhắc các hình thức kỷ luật theo quy định tại thông tư này, như: Cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần, đuổi học 1 năm...
Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ và phương pháp giáo dục hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo và lấy ý kiến góp ý về việc hướng dẫn khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông (cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông). So với quy định hiện hành, dự thảo có nhiều điều chỉnh, trong đó nhấn mạnh quan điểm, mục đích của việc khen thưởng, kỷ luật học sinh là nhằm "tạo động lực để học sinh tu dưỡng bản thân, phấn đấu vươn lên trong học tập và trong cuộc sống"...
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh các quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh là cần thiết, bởi quan điểm, phương pháp giáo dục hiện nay có nhiều thay đổi so với trước. Các trường học của Hà Nội đồng thuận với nguyên tắc xây dựng dự thảo: Khen thưởng phải kịp thời, thực chất; kỷ luật dựa trên tinh thần tôn trọng, bao dung.
Cộng đồng trách nhiệm
Tính cấp thiết của việc ban hành quy định mới về khen thưởng, kỷ luật học sinh phổ thông đã rõ. Tuy nhiên, để các quy định này đi vào thực tế đòi hỏi quá trình vận hành phải dựa trên những nguyên tắc cốt lõi là tôn trọng, bao dung và đồng hành. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) - người đã áp dụng nhiều giải pháp giáo dục học sinh chưa ngoan tại trường trong hơn 30 năm qua, cho rằng: Đồng hành để lắng nghe học sinh, để gỡ khó và định hướng cho học sinh, từ đó giúp các em có nhận thức và hành động đúng là giải pháp bền vững.
Em Trần Bảo Anh, học sinh Trường Trung học cơ sở Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) bày tỏ: "Bên cạnh việc áp dụng hình thức kỷ luật khi chúng em trót mắc lỗi, nhà trường cũng cần quan tâm cả việc động viên, khen ngợi khi chúng em có ý thức sửa chữa khuyết điểm và tiến bộ".
Theo thầy giáo Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa), hiệu quả của việc triển khai các quy định phụ thuộc nhiều vào cách triển khai trong nhà trường, trên cơ sở phù hợp với tâm lý, lứa tuổi và tình hình thực tế. Vì vậy, việc áp dụng kỷ luật học sinh cần được xem xét ở nhiều khía cạnh, không nên cứng nhắc, áp đặt, nhất là với học sinh cấp trung học cơ sở trở lên, nếu không sẽ dẫn đến việc các em phản kháng hoặc thực hiện theo kiểu đối phó.
Bà Nguyễn Thị Mai, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) cho rằng, việc xử lý học sinh mắc lỗi của một số trường thời gian qua cho thấy cần có sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm của nhiều lực lượng. Ngoài ra, trước khi xem xét kỷ luật học sinh, nhà trường cần lấy ý kiến của giáo viên chủ nhiệm lớp, những người có liên quan đến vi phạm của học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp học và phụ huynh học sinh.
Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Văn Linh cho biết, để việc thực thi các quy định mới hiệu quả, có tác động tích cực trong quá trình học tập, tu dưỡng của học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường coi trọng đến việc phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh và các lực lượng khác trong việc hỗ trợ, tư vấn để học sinh tiến bộ. Bộ đang tiếp thu các ý kiến góp ý, khẩn trương hoàn thiện Thông tư hướng dẫn khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh phổ thông để có thể ban hành ngay trong năm 2019, tạo cơ sở nâng cao chất lượng giáo dục.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Bùi Văn Linh: "Riêng với học sinh tiểu học, nếu mắc lỗi thì tùy theo mức độ để áp dụng các hình thức giáo dục tích cực, như: Nhắc nhở, phê bình riêng, quan tâm hỗ trợ sửa chữa khuyết điểm...".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.