Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo Luật Thủ đô: Đáp ứng yêu cầu đặc thù, phù hợp với Hiến pháp

Hà Phong| 11/03/2010 06:45

(HNM) - Ngày 10-3, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp hội nghị mở rộng để cho ý kiến đối với các nội dung chủ yếu của Dự thảo Luật Thủ đô. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Công Soái, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch UB MTTQ TP Phạm Xuân Hằng cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tới dự và thảo luận.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Linh Tâm


Xin cơ chế tự tạo nguồn lực
Theo ông Lê Thành Long - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), so với dự thảo công bố hôm 16-1-2010, Dự thảo Luật Thủ đô mới nhất đã bỏ các quy định cứng về kiểm soát nhập cư, giấy phép lao động đối với lao động ngoại tỉnh.

Với 33 điều còn lại của dự luật (giảm 26 điều so với dự thảo cũ), Ban soạn thảo chủ trương không xin các cơ quan TƯ nguồn lực mà chỉ xin cơ chế cho Hà Nội có đủ cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững. Đi kèm với dự thảo là tờ trình dự án luật, báo cáo đánh giá tác động Luật Thủ đô sau khi đi vào thực tiễn, bản thuyết minh chi tiết, báo cáo nghiên cứu pháp luật thủ đô nước ngoài để người xem dễ so sánh, tìm hiểu những điểm ưu việt mà Ban soạn thảo đã chọn lọc. Đây là dấu hiệu cho thấy Ban soạn thảo đã chuẩn bị công phu dự thảo quan trọng này và đã lắng nghe các ý kiến phản biện để đưa ra một phương án chọn lựa thích hợp nhất. Điểm nổi bật trong Dự thảo Luật Thủ đô là vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ được đặt đầu tiên, trước nhóm các vấn đề kinh tế. Trong đó, Luật Thủ đô giao cho Hà Nội thẩm quyền quyết định chương trình giáo dục, đào tạo nâng cao cho các trường phổ thông đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế mà vẫn thực hiện theo chương trình khung do Bộ GD-ĐT quy định.

Để nâng cao năng lực đầu tư phát triển của Hà Nội, Điều 14 cho phép Thủ đô được giữ lại tối thiểu 50% các khoản thu phân chia giữa ngân sách TƯ và ngân sách thành phố, bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp đơn vị hạch toán toàn ngành; được sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách vượt kế hoạch hằng năm theo quy định của pháp luật để đầu tư xây dựng, phát triển. Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, HĐND TP Hà Nội cũng có quyền ra một số quy định thưởng phạt. Song song với đó, dự thảo cũng làm rõ trách nhiệm của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các tổ chức, cá nhân sinh sống trên địa bàn Thủ đô. Điều dễ nhận thấy là đi kèm với các cơ chế chính sách đặc thù có phần thuận lợi cho sự phát triển của Thủ đô, các cơ quan của Hà Nội sẽ phải chịu trách nhiệm cao hơn và sẽ nhận được sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ. Hôm qua, nhiều vấn đề dự kiến sẽ gây tác động dư luận xã hội lớn đã được Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Công Soái xin ý kiến tại hội nghị, đó là việc thu các khoản phí; quản lý dân cư; thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật; xử phạt hành chính.

Làm rõ cơ chế đặc thù

Là một công dân sinh sống và công tác tại Hà Nội đã hơn 50 năm, GS-TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội nhận xét, 33 điều trong Dự thảo Luật Thủ đô đều phù hợp với hiến pháp và các văn bản hiện hành, đồng thời thể hiện tương đối đầy đủ cơ chế đặc thù đối với Thủ đô và mang tính khả thi cao. Tuy nhiên, theo GS-TS Vũ Hoan, Thủ đô Hà Nội với diện tích gần 34.000km2, dân số gần 6,5 triệu người, tình hình địa giới tự nhiên hết sức đa dạng, do đó các điều quy định trong Luật Thủ đô phải sâu sắc hơn, giữ được giá trị lâu dài của một văn bản pháp luật. Điều 13 về chiến lược phát triển kinh tế Thủ đô cũng cần khẳng định rõ hướng đi của Thủ đô là phát triển nền kinh tế tri thức theo cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp như các nước phát triển khác.

Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Nguyễn Vĩnh Oánh thì cho rằng, để Thủ đô Hà Nội không chỉ là đầu não chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa giáo dục cần có cơ chế đưa người có trình độ cao là giáo sư, tiến sỹ, người nước ngoài về làm việc tại Hà Nội. Ban soạn thảo cũng cần phải xác định rõ trách nhiệm các tỉnh, thành, bộ, ngành với Thủ đô trong phân công sản xuất, trồng trọt, nhất là ở vùng ngoại thành. Do đó, cần thiết phải lấy ý kiến các cơ quan kể trên để tạo thế liên kết chặt chẽ.

Đồng tình với quan điểm trên, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô rất vui mừng khi Luật Thủ đô vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2010. Nhưng để Luật Thủ đô đi vào đời sống, đem lại lợi ích chung cho người dân trên địa bàn Thủ đô và cả nước, chất lượng tiếp tục phải ưu tiên hàng đầu. Trong đó, vấn đề cần lưu ý đầu tiên là luật ban cho Thủ đô quyền nhưng cũng cần gắn với những đòi hỏi với Thủ đô và không trái Hiến pháp. Có như vậy, khi trình Quốc hội dự luật này mới nhận được sự đồng thuận của các đại biểu. Mặt khác, việc xây dựng các quy định đặc thù của Thủ đô phải được thuyết minh sâu sắc, lập luận chặt chẽ, khoa học, trường hợp còn có những ý kiến khác nhau cần lấy phương án tối ưu nhất. Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, Ban soạn thảo cần cố gắng đến mức tối đa để luật càng cụ thể bao nhiêu càng tốt, cái gì có thể phân cấp cho Hà Nội thì mạnh dạn phân cấp luôn. Vì có tư duy phân cấp thì mới có sự đột phá. Bí thư Thành ủy dẫn chứng: Trong trường hợp cần thiết, để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển quản lý, bảo vệ Thủ đô, nên để HĐND TP Hà Nội ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn chưa được pháp luật quy định. Vì nếu Hà Nội ban hành văn bản thiếu chuẩn mực thì Hà Nội sẽ chịu hậu quả trước. Mặt khác, với cơ chế hiện nay, nếu Hà Nội lạm quyền, Chính phủ sẽ không cho phép.

Về mức xử phạt vi phạm hành chính, quan điểm Ban soạn thảo Luật Thủ đô cần quán triệt theo hướng phạt nặng để ít vi phạm, kỷ cương xã hội được bảo đảm.

Trao đổi với phóng viên Hànộimới, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định chậm nhất là ngày 15-3 tới, dự luật sẽ được trình Chính phủ. Chắc chắn Dự luật Thủ đô còn phải chỉnh sửa tiếp, song song với việc lấy ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp thường kỳ tới, khoảng trung tuần tháng 4 tới, Hà Nội sẽ tiếp tục nghe đóng góp ý kiến về dự thảo quan trọng này để tiếp tục hoàn thiện Dự luật với tinh thần cầu thị cao nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Thủ đô: Đáp ứng yêu cầu đặc thù, phù hợp với Hiến pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.