Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo luật chưa xác định rõ về hành vi gây lãng phí

Bách Sen| 18/06/2013 10:28

(HNMO) - Ngày 18-6, QH đã thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Theo ĐB Trần Văn Tấn (Đoàn Tiền Giang), đây là Dự thảo Luật được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm, cho rằng lãng phí chính là nguyên nhân làm suy yếu nền kinh tế của đất nước và cần phải có "thuốc" đặc trị. Điểm đáng chú ý trong lần sửa đổi này là Dự thảo Luật tập trung quy định việc chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công. Đồng thời, tăng cường các quy định về cơ chế, giải pháp, chống lãng phí; cụ thể hóa các quy định về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhằm tăng tính hiệu quả, hiệu lực của các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Dự thảo Luật cũng đã bổ sung trách nhiệm xây dựng kế hoạch và các biện pháp thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong các hoạt động của các tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN); đưa ra quy định hoàn toàn mới, đó là phải thực hiện kiểm toán nội bộ và công khai đối với các khoản chi tiêu liên quan để có đánh giá chung, từ đó có ý thức tiết kiệm hơn.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Huỳnh Thế Kỳ phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân-TTXVN

Dự thảo luật cũng đề xuất công khai các hoạt động quản lý ngân sách Nhà nước, như: vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và các nguồn tài nguyên. Với quy định này không chỉ nhằm bảo đảm ngăn chặn mà còn có ý nghĩa quan trọng trong phòng ngừa lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực, hoạt động phải thực hiện công khai như: Dự toán, phân bổ, điều chỉnh dự toán và quyết toán NSNN; các đơn vị sử dụng NSNN, các quỹ có nguồn gốc NSNN; mua sắm, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng tài sản trong cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN; động viên vào NSNN, huy động vốn cho NSNN và cho tín dụng nhà nước, các quỹ có nguồn huy động đóng góp của nhân dân…

Tuy nhiên, Ban soạn thảo lại chưa quy định rõ về các hành vi gây lãng phí và chế tài xử phạt cụ thể với người đứng đầu khi ban hành các văn bản gây lãng phí; không có cơ chế biểu dương, động viên những cá nhân cung cấp thông tin về vấn đề này. Trong khi đó, đây là tiền đề để triển khai các nội dung của Dự thảo luật.

Ở một góc nhìn khác, ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, mặc dù có tên gọi là Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) nhưng Ban soạn thảo lại không đưa ra điều khoản nào điều chỉnh hành vi không tiết kiệm. Thực trạng lãng phí không kém gì tham nhũng nhưng chế tài không được quan tâm đúng mức. Đơn cử như lễ khởi công xây dựng làm quá linh đình, nhất là sau dịp tết nguyên đán. Hay có hội nghị Chính phủ, bộ, ngành triệu tập đại diện các địa phương ra Hà Nội họp có một ngày, gây tốn kém kinh phí. Trong khi đó, số tiền này có thể xây nhiều nhà cho người nghèo. Cũng theo ĐB Huỳnh Thế Kỳ, “lãng phí thời gian” rất khó định lượng, đang là bất cập tồn tại hiện nay mà không có biện pháp xử lý. Hiện đang có một số lượng không nhỏ công chức làm việc không hiệu quả theo kiểu “sáng cắp ô đi tối cắp về”. Vậy mà luật lại không có chế tài hướng dẫn sử dụng nguồn lực hiệu quả.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến bất cập trên, ĐB Thân Đức Nam (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, Dự thảo luật có phạm vi áp dụng quá rộng, đụng chạm đến nhiều luật khác: điện lực, ngân sách, tài nguyên, quy hoạch, đầu tư công… Trong khi các điều khoản chỉ mang tính bổ sung cho các điều khoản luật khác mà không có chế tài. Đây là khiếm khuyết khiến việc ngăn chặn lãng phí mang tính hình thức.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình):
Phòng ngừa tham nhũng cũng chính là chống lãng phí
Tôi cho rằng, phòng ngừa tham nhũng cũng chính là chống lãng phí. Tuy nhiên, so sánh Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí với Luật Phòng, chống tham nhũng vẫn có những điểm chưa thống nhất. Đơn cử, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định công dân, tổ chức có quyền yêu cầu cung cấp thông tin về hoạt động của cơ quan nhà nước và người đứng đầu đơn vị này. Đây là biện pháp phòng ngừa lãng phí, tham nhũng. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí không quy định chủ trương trên.

ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Đoàn Hà Nội):
Có hiện tượng xuê xoa khi thanh, kiểm tra về lãng phí
Thời gian qua, việc thanh, kiểm tra về lãng phí tương đối xuê xoa. Có hiện tượng cho qua nhiều tồn tại, bất cập lớn chứ không phải vấn đề nhỏ. Nhưng đánh giá của Chính phủ về thực trạng trên quá nhẹ. Cũng vì cách nhìn chưa sâu, chưa nhìn thẳng vào thực tế, nên việc chỉ đạo xây dựng dự thảo luật chưa sát với tình hình ở nhiều địa phương, chưa có chế tài đủ mạnh để chống lãng phí.

ĐB Nguyễn Minh Long (Đoàn Bắc Giang):
Cần bổ sung quy định về trách nhiệm người đứng đầu
Ban soạn thảo cần bổ sung quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ban hành cơ chế chính sách. Trong đó đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan soạn thảo tham mưu đề xuất và cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách quyết định đầu tư, ban hành các tiêu chuẩn, định mức gây lãng phí thì phải bồi thường. Ngoài ra, kể cả tổ chức, cá nhân thực hiện sai tiêu chuẩn định mức thì cũng phải bồi thường. Đây là vấn đề được cử tri và các ĐBQH đặc biệt quan tâm.

ĐB Nguyễn Minh Lâm (Đoàn Long An):
Mở rộng đối tượng điều chỉnh của luật
Với tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của luật để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường rộng khắp, toàn diện đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện khi luật có hiệu lực, tôi đề nghị công khai hiệu quả sử dụng các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, để từ đó các cá nhân, tổ chức có cơ sở đánh giá hiệu quả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.


Hải Hàlược ghi
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo luật chưa xác định rõ về hành vi gây lãng phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.