Dự thảo luật chưa xác định rõ về hành vi gây lãng phí
Chính trị - Ngày đăng : 10:28, 18/06/2013
Theo ĐB Trần Văn Tấn (Đoàn Tiền Giang), đây là Dự thảo Luật được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm, cho rằng lãng phí chính là nguyên nhân làm suy yếu nền kinh tế của đất nước và cần phải có "thuốc" đặc trị. Điểm đáng chú ý trong lần sửa đổi này là Dự thảo Luật tập trung quy định việc chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công. Đồng thời, tăng cường các quy định về cơ chế, giải pháp, chống lãng phí; cụ thể hóa các quy định về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhằm tăng tính hiệu quả, hiệu lực của các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Dự thảo Luật cũng đã bổ sung trách nhiệm xây dựng kế hoạch và các biện pháp thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong các hoạt động của các tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN); đưa ra quy định hoàn toàn mới, đó là phải thực hiện kiểm toán nội bộ và công khai đối với các khoản chi tiêu liên quan để có đánh giá chung, từ đó có ý thức tiết kiệm hơn.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Huỳnh Thế Kỳ phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân-TTXVN |
Dự thảo luật cũng đề xuất công khai các hoạt động quản lý ngân sách Nhà nước, như: vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và các nguồn tài nguyên. Với quy định này không chỉ nhằm bảo đảm ngăn chặn mà còn có ý nghĩa quan trọng trong phòng ngừa lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực, hoạt động phải thực hiện công khai như: Dự toán, phân bổ, điều chỉnh dự toán và quyết toán NSNN; các đơn vị sử dụng NSNN, các quỹ có nguồn gốc NSNN; mua sắm, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng tài sản trong cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN; động viên vào NSNN, huy động vốn cho NSNN và cho tín dụng nhà nước, các quỹ có nguồn huy động đóng góp của nhân dân…
Tuy nhiên, Ban soạn thảo lại chưa quy định rõ về các hành vi gây lãng phí và chế tài xử phạt cụ thể với người đứng đầu khi ban hành các văn bản gây lãng phí; không có cơ chế biểu dương, động viên những cá nhân cung cấp thông tin về vấn đề này. Trong khi đó, đây là tiền đề để triển khai các nội dung của Dự thảo luật.
Ở một góc nhìn khác, ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, mặc dù có tên gọi là Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) nhưng Ban soạn thảo lại không đưa ra điều khoản nào điều chỉnh hành vi không tiết kiệm. Thực trạng lãng phí không kém gì tham nhũng nhưng chế tài không được quan tâm đúng mức. Đơn cử như lễ khởi công xây dựng làm quá linh đình, nhất là sau dịp tết nguyên đán. Hay có hội nghị Chính phủ, bộ, ngành triệu tập đại diện các địa phương ra Hà Nội họp có một ngày, gây tốn kém kinh phí. Trong khi đó, số tiền này có thể xây nhiều nhà cho người nghèo. Cũng theo ĐB Huỳnh Thế Kỳ, “lãng phí thời gian” rất khó định lượng, đang là bất cập tồn tại hiện nay mà không có biện pháp xử lý. Hiện đang có một số lượng không nhỏ công chức làm việc không hiệu quả theo kiểu “sáng cắp ô đi tối cắp về”. Vậy mà luật lại không có chế tài hướng dẫn sử dụng nguồn lực hiệu quả.
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến bất cập trên, ĐB Thân Đức Nam (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, Dự thảo luật có phạm vi áp dụng quá rộng, đụng chạm đến nhiều luật khác: điện lực, ngân sách, tài nguyên, quy hoạch, đầu tư công… Trong khi các điều khoản chỉ mang tính bổ sung cho các điều khoản luật khác mà không có chế tài. Đây là khiếm khuyết khiến việc ngăn chặn lãng phí mang tính hình thức.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình): Hải Hàlược ghi |