(HNMCT) - Từ trung tâm thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) đi tiếp gần 60km, du khách sẽ tới hồ thủy điện Sê San 4 (xã Ia O, huyện Ia Grai), nơi có làng chài trên sông được ví như “miền Tây của Gia Lai” cùng nhiều danh lam thắng cảnh. Đây là một trong những điểm nhấn trong hành trình thăm vùng đất Gia Lai.
Miền Tây thu nhỏ
Dòng sông Sê San hùng vĩ, dài 237km, có điểm đầu từ độ cao 2.517m trên đỉnh núi Ngọc Linh thuộc dãy Trường Sơn xuôi dần về phía hạ lưu, chảy qua địa bàn tỉnh Gia Lai và Kon Tum, sau đó đổ vào Campuchia và hòa vào dòng Mê Kông. Sông Sê San quen thuộc trong thi ca và tiềm thức của người Việt với tên gọi “sông Pô Cô”. Sông Sê San được mệnh danh là “dòng sông năng lượng” bởi nơi đây có nhiều nhà máy thủy điện như Ialy, Sê San 3, Sê San 4, Pleikrông, Thượng Kon Tum... đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Nhà máy thủy điện Sê San 4 là công trình cuối cùng nằm ở phía hạ lưu của sông Sê San, có công suất lớn thứ hai trong số các nhà máy thủy điện ở khu vực Tây Nguyên, chỉ sau Nhà máy thủy điện Ialy. Không chỉ mang lại nguồn điện năng để phát triển kinh tế - xã hội, khu vực lòng hồ thủy điện Sê San còn là nguồn cung cấp thủy sản dồi dào và là điểm du lịch thú vị, mang lại cho người dân nguồn sinh kế ổn định. Khu vực này có diện tích 54,4km2, trải rộng trên địa bàn 2 xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) và xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum). Làng chài Sê San 4 - nơi có gần 30 hộ với 100 nhân khẩu sinh sống trên những ngôi nhà nổi san sát trên mặt sông, nằm lọt thỏm trong khu vực lòng hồ và được bao bọc bởi 6 hòn đảo.
Đa phần cư dân sinh sống tại làng chài Sê San 4 đến từ các tỉnh miền Tây như An Giang, Long An, Bạc Liêu, Vĩnh Long... Hơn 10 năm trước, họ quần tụ về đây và sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Sê San. Bà Lâm Thị Mỹ Lệ, một cư dân làng chài cho biết: “Gia đình tôi sinh sống tại làng chài này được gần chục năm rồi. Chúng tôi chọn nơi này vì nguồn thủy sản ở đây rất phong phú. Mỗi năm, các gia đình đều đánh bắt được từ vài chục tấn cá. Nhờ đó, cuộc sống được bảo đảm...”. Còn du khách Trần Mai Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Cảm giác ngồi trên thuyền ngược dòng Sê San, tham quan làng chài khiến tôi liên tưởng đến những ngôi làng nổi ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Cuộc sống nơi đây đơn giản, thanh bình. Con người mộc mạc, mến khách càng tạo cho nơi này sức hút tự nhiên”.
Đó chính là “điểm cộng” để làng chài Sê San 4 trở thành một trong những điểm thu hút khách du lịch. Giờ đây, người dân đã có thêm nguồn sinh kế nhờ bán các loại cá phơi nắng như cá cơm, cá thác lác, cá trắm, cá rô... Cá đánh bắt từ lòng hồ Sê San được chế biến theo bí quyết riêng, nhờ đó giữ được hương vị tươi ngon nên được nhiều du khách chọn mua về làm quà.
“Đánh thức” tiềm năng du lịch
Trong hành trình du ngoạn trên sông Sê San, từ làng chài, du khách tiếp tục xuôi dòng hơn 20km và ghé thăm bến đò A Sanh (làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai) - nơi người anh hùng Puih San (bí danh A Sanh) đã dũng cảm lái chiếc thuyền độc mộc trong đêm, bí mật đưa đón bộ đội, vận chuyển vũ khí, lương thực qua sông Pô Cô trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Người anh hùng ấy đã trở thành biểu tượng của sự mưu trí, dũng cảm và lòng yêu nước. Bến đò A Sanh đã được xếp hạng Di tích cấp tỉnh năm 2020.
Cũng nằm ở xã Ia Khai, tại điểm cuối của hành trình, du khách ghé thăm thác Mơ - “nàng tiên” ẩn mình giữa đại ngàn. Không hùng vĩ như nhiều thác khác, thác Mơ chỉ cao khoảng 50m, chia thành 3 tầng, len lỏi đổ xuống giữa rừng cây xanh mát. Vào mùa mưa, nước từ đỉnh thác ào ạt đổ xuống như mái tóc của người thiếu nữ bay theo chiều gió. Mùa khô, nước cạn, để lộ ra những phiến đá bazan với mặt cắt nhiều hình dạng kỳ thú. Phía dưới tầng thác cao nhất là một hồ nước xanh như ngọc, nơi du khách thỏa thích bơi lội. Thác Mơ nằm trong số ít những ngọn thác đẹp và an toàn để du khách có thể chụp ảnh check-in từ trên đỉnh. Kết thúc hành trình, du khách đi bộ xuyên qua những rừng điều, rừng cao su xanh bạt ngàn nổi bật trên nền đất bazan đỏ sẫm chỉ có ở vùng cao nguyên.
Trên địa bàn huyện Ia Grai có các danh thắng như núi Ông Phật, suối Cát, thác Lệ Kim, thác Chín Tầng... Đánh giá cao tiềm năng du lịch của huyện Ia Grai, bà Nguyễn Lan Anh, CEO Công ty VTB Travel cho rằng, các điểm đến, danh thắng Ia Grai cần được “đánh thức” để phát triển. “Muốn vậy, tỉnh Gia Lai cần tăng cường truyền thông quảng bá điểm đến, đẩy mạnh kết nối với các địa phương và nước bạn như huyện Andoung Meas (tỉnh Ratanakiri, Campuchia) để thu hút khách. Bên cạnh đó, cần xây dựng những sản phẩm mang tính trải nghiệm cao, hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm khách” - bà Lan Anh nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.