(HNM) - Những ngày qua, truyền thông quốc tế liên tục đưa tin về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của Việt Nam. Dư luận quốc tế đánh giá, Việt Nam đã có một kỳ bầu cử thành công, đồng thời bày tỏ tin tưởng Quốc hội khóa mới sẽ tiếp tục đề ra các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, góp phần thúc đẩy đất nước ngày một phát triển.
Theo Reuters (Anh), bất chấp dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hàng chục triệu người dân Việt Nam đã đeo khẩu trang đi bỏ phiếu trong ngày 23-5 để bầu ra những người tiêu biểu đại diện cho mình tham gia Quốc hội và HĐND các cấp. Hãng tin này ghi nhận các khu vực bỏ phiếu đều bảo đảm theo đúng phương án phòng, chống dịch. Thậm chí, hòm phiếu được khử khuẩn và đưa đến từng cử tri trong các khu cách ly tập trung.
Đồng quan điểm, báo Economic Times (Ấn Độ) đăng tải bài viết nêu rõ công tác chuẩn bị đã được thực hiện phù hợp với tình hình thực tế. Các điểm bầu cử cơ bản chuẩn bị rất tốt về các điều kiện, nhân lực, nhất là quy trình phòng, chống dịch Covid-19. Bài viết cũng nêu rõ, diễn ra vài tháng sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc bầu cử lần này tượng trưng cho tính liên tục của một cường quốc kinh tế mới nổi ở châu Á và sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác giữa các cơ quan lập pháp của Việt Nam và Ấn Độ. Cuộc bầu cử lần này cũng được đánh giá có tính minh bạch lớn, bảo đảm quyền lợi của người dân Việt Nam.
Trong khi đó, tờ Eurasia Review (Mỹ) đăng bài viết của nghiên cứu viên cao cấp Rajaram Panda tại Viện Bảo tàng và thư viện Nehru (cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Văn hóa Ấn Độ), đánh giá cuộc bầu cử được Việt Nam tổ chức hết sức chuyên nghiệp với ý thức tuân thủ pháp luật cao và ý thức về quyền và trách nhiệm của mỗi người dân. Bài viết cũng cho rằng, Ấn Độ có thể tham khảo cách thức tổ chức bầu cử ở Việt Nam, đặc biệt là quy trình tổ chức đồng bộ và rõ ràng trên phạm vi cả nước.
Về phần mình, Hãng thông tấn Bernama (Malaysia) đánh giá cao công tác chuẩn bị của Quân đội nhân dân Việt Nam, khi dẫn chỉ thị của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam về các phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho cuộc bầu cử. Hãng thông tấn này cũng đánh giá cao việc các cơ quan trên cả nước đã có sự hợp tác chặt chẽ; nhiều địa phương đã có những sáng kiến, sáng tạo hiệu quả trong công tác tuyên truyền bầu cử, như đăng danh sách cử tri lên mạng xã hội, lập sổ phản ánh để người dân có thể kiến nghị đính chính, sửa đổi, bổ sung thông tin…
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam của Đại học New South Wales (Australia), cho rằng các ứng cử viên năm nay được đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm đủ tiêu chuẩn. Danh sách các ứng cử viên thể hiện sự đa dạng về thành phần. Tỷ lệ ứng cử viên là phụ nữ và người dân tộc thiểu số ở mức cao, với 45% ứng cử viên là nữ, tỷ lệ cao so với tiêu chuẩn thế giới, và 21% là người dân tộc thiểu số… Giáo sư Thayer nhấn mạnh các mục tiêu kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài của Việt Nam đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua, và Quốc hội Việt Nam khóa mới có trách nhiệm xây dựng chương trình hoạt động và dự thảo ngân sách cho năm sau. Tại mỗi kỳ họp, Quốc hội sẽ sửa đổi hoặc thông qua luật mới, các chính sách quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra.
Trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Nguyễn Quang Anh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Đức cho biết, bà con kiều bào tin tưởng Quốc hội khóa mới sẽ tiếp tục đề ra các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, góp phần thúc đẩy đất nước ngày một phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.