(HNM) - Hôm nay, 29-6, TAND quận Hoàn Kiếm mở phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Hải (SN 1991, ở phường Phúc Đồng, quận Long Biên) - kẻ đã điều khiển xe máy chèn ép xe của Tổ cảnh sát cơ động (CSCĐ) - CATP Hà Nội đang làm nhiệm vụ, dẫn đến vụ tai nạn giao thông tại khu vực chân cầu Chương Dương, khiến Trung sĩ Phạm Tuấn Anh (SN 1989) tử vong.
Trước đó, khoảng 24h ngày 10-11-2009, Nguyễn Đức Hải điều khiển xe mô tô chở Nguyễn Bá Cường, Lê Mạnh Hùng, còn Nguyễn Trần Kiên chở Đặng Ánh Tuyết chạy quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Khi đi qua vườn hoa Cổ Tân gặp tổ tuần tra thuộc Đại đội 5, Trung đoàn CSCĐ - CATP Hà Nội gồm 4 đồng chí Vũ Tiến Dũng, Nguyễn Mạnh Minh, Nguyễn Đức Tư và Phạm Tuấn Anh đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, chống đua xe trên địa bàn. Ngay lập tức Hải và Kiên điều khiển xe máy rú ga, dồn số tạo âm thanh kích động, đồng thời Cường, Tuyết giơ tay vẫy trêu chọc, khiêu khích Tổ CSCĐ rồi cả nhóm phóng xe chạy với tốc độ cao. Trước hành vi quá khích có biểu hiện coi thường pháp luật của nhóm đối tượng, tổ công tác đã dùng xe máy đuổi theo. Hải liền ra hiệu cho xe máy của Kiên vượt lên trước, còn hắn cho xe lạng lách, đánh võng trên đường nhằm cản trở không cho xe của lực lượng chức năng đuổi theo. Khi xe của Hải chạy tới đoạn đường Trần Nhật Duật - gầm cầu Chương Dương thì xe máy của đồng chí Tuấn Anh (phía sau chở đồng chí Dũng) bắt kịp. Bất chấp các nỗ lực của CSCĐ, tên này tiếp tục cho xe láng sang bên phải để ngăn không cho xe của CSCĐ vượt lên khiến bánh trước xe máy của Hải ngoắc vào bánh xe đồng chí Tuấn Anh, làm hai xe đổ ra đường. Ngay lập tức, Hải vứt xe bỏ chạy. Do bị chấn thương sọ não nặng và suy hô hấp, Trung sĩ Phạm Tuấn Anh đã hy sinh dù đã được đưa vào Bệnh viện Việt-Đức cấp cứu. Đồng chí Vũ Tiến Dũng bị tổn hại sức khỏe 12%.
Vụ việc các đối tượng liều lĩnh chống đối lực lượng thừa hành pháp luật như trên phải được coi là một loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Dư luận đòi hỏi phải xử lý nghiêm khắc Hải, Hùng, Cường, Kiên, Tuyết để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Tuy nhiên, theo đại diện TAND quận Hoàn Kiếm, trong vụ án này, Hùng, Kiên, Cường, Tuyết không phải hầu tòa vì chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ phải nhận quyết định xử phạt hành chính. Riêng Hải bị khép vào tội "chống người thi hành công vụ - Điều 257 Bộ luật Hình sự" và đối mặt với mức án từ 2-7 năm tù.
Theo Luật sư Nguyễn Thành Chính (Đoàn Luật sư Hà Nội), thật nguy hiểm khi trong hàng loạt vụ việc chống người thi hành công vụ với tính chất nghiêm trọng, bằng các hành vi côn đồ hung hãn, lại có vụ chỉ xuất phát từ những nguyên nhân vô cùng đơn giản như vậy. Trong khi đó, pháp luật lại chưa bao quát hết các hành vi phạm tội để có chế tài mạnh răn đe các đối tượng dạng này, khiến số vụ việc ngày càng gia tăng. Theo Điều 257 Bộ luật Hình sự, quy định về tội "chống người thi hành công vụ" thì khởi điểm của khung hình phạt rất thấp ("cải tạo không giam giữ đến 3 năm" hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm). Ngay cả trong các trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội, gây hậu quả nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm thì khung hình phạt tù thấp nhất cũng chỉ 2 năm và cao nhất mới là 7 năm.
Theo các chuyên gia, trong tình hình số vụ chống người thi hành công vụ gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất, mức độ phạm tội như hiện nay, thì khung hình phạt cho loại tội này cần phải thay đổi theo hướng tăng nặng hơn mới đủ sức răn đe. Đối với tội danh này, cần phải bãi bỏ hình phạt "cải tạo không giam giữ" và phải tăng khung hình phạt lên mức đến 10 năm tù. Ngoài hình phạt chính cần phải có hình phạt bổ sung là phạt tiền với mức phạt thật cao mới đủ sức răn đe các đối tượng chống người thi hành công vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.