(HNMO) - Liên tiếp nhận được các giải thưởng du lịch uy tín thế giới, cùng với lượng khách quốc tế tăng cao kỷ lục trong tháng 11-2019, ngành Du lịch Việt Nam đang kỳ vọng sẽ về đích ngoạn mục, đạt chỉ tiêu sớm một năm so với mục tiêu Nghị quyết 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở ngành kinh tế mũi nhọn.
Từng bước thăng hạng
Nghị quyết 08-NQ/TƯ đặt ra mục tiêu cơ bản, du lịch Việt Nam phải đạt 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2020. Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết, ngành Du lịch Việt Nam đã đạt mốc tăng trưởng mạnh mẽ, có khả năng về đích sớm.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mới đạt 10 triệu lượt khách; năm 2018 đạt 15 triệu lượt. Đến tháng 11-2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã đạt con số kỷ lục - gần 16,3 triệu lượt. Với kết quả này, Việt Nam có thể tự tin đến hết năm 2019 đạt được mục tiêu đề ra là đón được 17,5 đến 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, hoàn thành chỉ tiêu sớm.
Trước việc có thể hoàn thành mục tiêu lớn, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Lê Quang Tùng nhận định, gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, ngoài việc đạt được thành tích đề ra, điều quan trọng nhất mà chúng ta thực hiện được là nhận thức, tư duy và hành động về du lịch có những chuyển biến tích cực. Vị thế của ngành Du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đã và đang được định hình.
Điều này được thể hiện rõ nhất ở hàng loạt giải thưởng du lịch uy tín mà Việt Nam giành được trong năm qua. Tháng 10-2019, Việt Nam đã được nhận các giải thưởng: Điểm đến hàng đầu châu Á trong hai năm liên tiếp (2018 và 2019); Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019 và Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019. Bên cạnh đó, Việt Nam còn được World Golf Awards trao tặng giải thưởng Điểm đến golf tốt nhất châu Á 2019.
Ngày 28-11 vừa qua, niềm vui tiếp tục đến với du lịch Việt Nam khi lần đầu tiên Việt Nam được xướng tên vinh danh tại hai hạng mục giải thưởng: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019 và Điểm đến golf tốt nhất thế giới 2019 tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 26 (WTA), diễn ra tại Oman.
Ngoài ra, hàng chục giải thưởng quốc tế khác dành cho các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, resort, các công trình, điểm du lịch tại những điểm đến nổi tiếng hàng đầu Việt Nam như Sa Pa, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc… đã góp phần nâng cao uy tín các hoạt động dịch vụ, du lịch tại Việt Nam.
Nỗ lực từ những điểm đến và hạ tầng dịch vụ
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhận định, những giải thưởng uy tín quốc tế dành cho Việt Nam liên tiếp trong năm qua thêm khẳng định, du lịch Việt Nam đang có bước phát triển mạnh mẽ, tạo uy tín trên thị trường du lịch thế giới. Kết quả này cũng là nỗ lực từ những điểm đến và hệ thống các dịch vụ.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, sở dĩ ngành Du lịch có sự bứt phá ngoạn mục là do Việt Nam đã duy trì tốt tốc độ tăng trưởng, trong đó có các địa phương: Hà Nội, Ninh Bình, thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Kiên Giang...
Riêng tại Hà Nội, ngành Du lịch đã có mức tăng trưởng tốt nhất từ trước đến nay, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của du lịch cả nước. Sở Du lịch Hà Nội cho biết, đến hết tháng 11-2019, khách du lịch đến Hà Nội đạt 26,34 triệu lượt khách, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt hơn 6 triệu lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 20,31 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 92.454 tỷ đồng, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, Hà Nội đã nỗ lực trong việc quảng bá hình ảnh tới bạn bè quốc tế. Điển hình như sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên diễn ra vào tháng 2-2019, Hà Nội đã thực hiện tốt vai trò chủ nhà, quảng bá hình ảnh Thủ đô giàu bản sắc văn hóa, thân thiện và mến khách. Điều này đã giúp cho bạn bè quốc tế đến Hà Nội nhiều hơn.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist lý giải thêm, nhiều điểm đến của Hà Nội đang ngày càng hoàn thiện các dịch vụ tiện ích, làm hài lòng du khách, như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám có hệ thống chỉ dẫn và thuyết minh điện tử; không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trở thành “đặc sản” của người dân và du khách dịp cuối tuần; các di tích lịch sử như Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò… đều giữ được lượng khách ổn định.
Nhận định về tiềm năng phát triển của du lịch Việt Nam trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng, Việt Nam đang nỗ lực bắt nhịp với các xu hướng du lịch mới của thế giới như: Du lịch xanh, du lịch không khói thuốc, du lịch online… Để thực hiện tốt các xu hướng này, Việt Nam cần hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, dịch vụ tiện ích và công nghệ thông tin.
Tin vui liên tiếp đến với du lịch Việt Nam trong năm 2019, điều này không chỉ thể hiện ở những giải thưởng uy tín thế giới mà du lịch Việt Nam được nhận mà còn thể hiện ở số lượng khách quốc tế chọn Việt Nam là điểm đến ngày càng nhiều. Hiện nay, Việt Nam đã đứng thứ 10 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đón khách cao nhất châu Á - Thái Bình Dương, và đã vượt qua Indonesia để đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á (sau Thái lan, Malaysia và Singapore).
- Năm 2016, Việt Nam có 21.000 cơ sở lưu trú, đến năm 2018 con số đó là 28.000.
- Năm 2016, Việt Nam có 1.600 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tính đến hết tháng 10-2019, con số này là 2.537.
- Năm 2016, toàn quốc có 18.391 hướng dẫn viên du lịch (HDV) được cấp thẻ, trong đó có 10.590 HDV quốc tế. Tính đến cuối tháng 11-2019, cả nước có 26.683 HDV đã được cấp thẻ, trong đó có 16.938 HDV quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.