Du lịch

Du lịch Việt Nam năm 2024: Kỳ vọng bứt phá mạnh mẽ

Hoàng Lân 05/01/2024 - 07:24

Với sự tăng trưởng nhanh vào cuối năm 2023, ngành Du lịch kỳ vọng năm 2024 sẽ bứt phá mạnh mẽ, đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, bằng với thời điểm năm 2019 - “năm vàng” của du lịch Việt Nam trước dịch Covid-19.

Con số này thể hiện quyết tâm của ngành Du lịch để phục hồi hoàn toàn, đồng thời đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc cạnh tranh với những nước trong khu vực.

du-khach-quoc-te-tham-quan-.jpg
Du khách quốc tế tham quan khu vực phố cổ Hà Nội bằng xe xích lô. Ảnh: Đỗ Tâm

Tín hiệu vui đầu năm mới

Năm 2024, ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực rất nhiều.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định, năm 2023, du lịch Việt Nam đã đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 678 nghìn tỷ đồng. Với sự bứt tốc ấn tượng của ngành Du lịch từ cuối năm 2023, đặc biệt là những tín hiệu khởi sắc trong đầu năm mới 2024, du lịch Việt Nam có thể đạt được chỉ tiêu đề ra, phục hồi hoàn toàn như thời điểm trước dịch Covid-19.

Có thể thấy, những tín hiệu vui ngay đầu năm mới 2024 khi trong kỳ nghỉ Tết dương lịch, nhiều địa phương đã đạt được những con số ấn tượng về lượng khách và doanh thu, tăng cao hơn so với năm 2023. Điển hình như, thành phố Hà Nội ước đón 402 nghìn lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 1,5 nghìn tỷ đồng; tỉnh Quảng Ninh đón 179 nghìn lượt khách, tổng thu ước đạt 340 tỷ đồng; tỉnh Ninh Bình đón gần 313 nghìn lượt khách, tổng doanh thu đạt 420 tỷ đồng; tỉnh Thanh Hóa đón khoảng 105 nghìn lượt khách, tổng thu đạt khoảng 142 tỷ đồng; thành phố Đà Nẵng đón khoảng 261 nghìn lượt khách, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái…

Bước sang năm 2024, hầu hết các tỉnh, thành phố đều đặt mục tiêu cao về phát triển du lịch. Các địa phương lớn như thành phố Hà Nội phấn đấu đón 26,5 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế; thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm đón khoảng 40 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế...

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh nhận định, sau gần 2 năm thực hiện các biện pháp phục hồi, du lịch Việt Nam đang có đà tăng trưởng. Năm 2024 sẽ là thời điểm để du lịch bứt tốc, tăng sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.

Tăng cường liên kết, tạo sức hút

Năm 2024, ngành Du lịch thế giới và Việt Nam vẫn còn phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Điều dễ nhìn thấy là tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường; tăng trưởng kinh tế chậm lại ảnh hưởng lớn đến tâm lý và khả năng chi tiêu của khách du lịch…

Bên cạnh đó, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định, nhu cầu của khách du lịch quốc tế liên tục thay đổi, trong đó xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới. Đây là thách thức buộc các đơn vị kinh doanh du lịch phải thay đổi.

Ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, du lịch Việt Nam đang có sự tăng trưởng trở lại nhưng nhìn sang các nước bạn thì sự tăng trưởng vẫn còn khiêm tốn, điển hình như Thái Lan đang có lượng khách du lịch vượt xa Việt Nam. Vì thế, để du lịch bứt phá tốt hơn, cần có sự thay đổi toàn diện về nhận thức, cách làm, quảng bá sản phẩm và hình ảnh du lịch Việt Nam.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, hiện nay liên kết du lịch giữa các đơn vị, doanh nghiệp hàng không, lữ hành, điểm đến không còn chặt chẽ như trước. Điều này khiến các sản phẩm du lịch của Việt Nam dần kém hấp dẫn, nhiều tuyến du lịch nội địa giá dịch vụ cao hơn du lịch quốc tế.

“Để tạo tăng sức cạnh tranh, rất cần sự liên minh, liên kết nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, giá tốt, tăng sức hút với cả khách quốc tế và nội địa”, ông Vũ Thế Bình bày tỏ.

Mục tiêu của du lịch Việt Nam trong năm 2024 rất rõ ràng. Để phục hồi hoàn toàn, du lịch Việt Nam cần phải có một chiến lược để giải tỏa những “điểm nghẽn” về chính sách và truyền thông.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã yêu cầu Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, rà soát các điểm bất cập cần điều chỉnh; liên kết với các bộ, ngành để kiến tạo chính sách phát triển các loại hình sản phẩm như du lịch nông nghiệp, chuyển đổi số trong du lịch...

“Thời gian tới, ngành Du lịch tăng cường công tác thống kê du lịch; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch; tập trung đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là thông thạo ngoại ngữ và công nghệ”, ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Việt Nam năm 2024: Kỳ vọng bứt phá mạnh mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.