(HNMO) - Hôm nay (15-4), tròn 1 tháng mở cửa hoàn toàn cho khách nội địa và quốc tế, du lịch Việt Nam đã có những tín hiệu khởi sắc khi nhiều địa phương tưng bừng tổ chức các hoạt động thu hút du khách. Lượng khách du lịch nội địa gần như phục hồi, tăng rõ rệt trong kỳ nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Nỗ lực từ các địa phương
Tròn 1 tháng du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn, nhiều địa phương trên cả nước đã có những tín hiệu vui khi lượng khách tăng đáng kể. Kết quả này là quá trình nỗ lực của các địa phương và các đơn vị kinh doanh du lịch trong việc tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến thu hút du khách với khẩu hiệu “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn ở Việt Nam).
Chỉ trong 1 tháng, nhiều sự kiện du lịch lớn đã diễn ra. Đầu tiên là tỉnh Quảng Nam khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”. Trong suốt năm 2022, Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam có khoảng 200 sự kiện, hoạt động, trong đó có 10 hoạt động tầm quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức. Riêng tỉnh Quảng Nam chủ trì tổ chức chuỗi 60 sự kiện, hoạt động đặc sắc, hấp dẫn theo 6 chương trình diễn ra xuyên suốt năm 2022.
Kế đến, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức từ ngày 31-3 đến 3-4, đã thu hút 40.000 lượt người tham dự. Hội chợ đã tổ chức 25 sự kiện bên lề, trong đó nổi bật là các hoạt động xúc tiến du lịch các địa phương, chương trình quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch kích cầu, diễn đàn du lịch 2022 “Phục hồi Du lịch Việt Nam – Định hướng mới, hành động mới”. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan khẳng định, hội chợ đã tạo được hiệu ứng tích cực cho việc phục hồi thị trường nội địa, gỡ khó cho việc đón khách quốc tế, khích lệ các đơn vị kinh doanh du lịch trở lại “đường ray” phục hồi du lịch.
Ngoài những sự kiện lớn, chỉ trong 1 tháng, rất nhiều địa phương đã liên kết với các đơn vị kinh doanh du lịch tổ chức các đợt xúc tiến xây dựng sản phẩm, đồng thời tăng cường quảng bá điểm đến. Điển hình như Sở Du lịch Hà Nội tổ chức các đoàn khảo sát, tập huấn nghiệp vụ, liên kết du lịch với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Hiệp hội Du lịch Hà Nội liên kết các địa phương như Thanh Hóa, Quảng Bình… tổ chức các đoàn khảo sát cho gần 70 doanh nghiệp lữ hành. Câu lạc bộ lữ hành UNESCO thực hiện nhiều chuyến khảo sát đến các tỉnh, thành phố, như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Tuyên Quang, Thái Nguyên… Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, hoạt động liên kết du lịch được tăng cường đã giúp các địa phương, trong đó có Hà Nội xây dựng được thêm nhiều sản phẩm bền vững, góp phần quảng bá, hấp dẫn du khách hơn.
Khách nội địa tăng, khách quốc tế chuyển biến
Với nỗ lực của các địa phương và các doanh nghiệp du lịch, sự khởi sắc của thị trường du lịch được minh chứng ngay đầu năm. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, 3 tháng đầu năm, Việt Nam là điểm đến của hơn 26 triệu lượt khách nội địa, hơn 22.000 lượt khách quốc tế. Trong tháng 3 (thời điểm mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch) có đến 8,5 triệu lượt khách nội địa, 15.000 du khách quốc tế. Tính riêng trong 3 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ đã đón và phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 1,6 triệu lượt khách lưu trú. Công suất phòng tại những trung tâm du lịch lớn như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vũng Tàu, Đà Lạt đạt trên 90%. Trong số đó, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có lượng khách vượt trội: Hà Nội phục vụ khoảng 200.000 lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt 560 tỷ đồng; thành phố Hồ Chí Minh phục vụ khoảng 250.000 lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt 1.100 tỷ đồng.
Một tín hiệu vui khác từ thị trường quốc tế, ngay sau khi du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn với chính sách cởi mở, nhiều đoàn khách nước ngoài đã đến Việt Nam. Điểm nhấn là ngày 27-3, Đà Nẵng chính thức mở lại đường bay thương mại quốc tế sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch và đón đoàn khách quốc tế đầu tiên từ Singapore. Ngày 8-4, thành phố Hồ Chí Minh đã đón được đoàn khách du lịch quốc tế lớn từ thị trường Mỹ gồm 130 thành viên. Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh thông tin, khách quốc tế từ Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan… đã dần quay trở lại thành phố. Với “cú hích” đón gần 78.000 lượt khách chỉ trong 3 ngày nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, thành phố Đà Nẵng tự tin sẽ đạt tổng lượng khách 3,5 triệu lượt người đến địa phương trong năm 2022, tăng 3 lần so với năm 2021. Trong khi đó, thành phố Hà Nội cũng chuẩn bị các hoạt động để sẵn sàng đón khách quốc tế trong quý III.
Theo Trung tâm thông tin (Tổng cục Du lịch), dữ liệu từ công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights cho thấy, ở khu vực Đông Nam Á, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam từ thị trường Singapore bắt đầu tăng từ đầu tháng 3-2022, tăng đến 400%. Bên cạnh đó, khách đến từ các nước Mỹ, Australia, Pháp, Canada, Nhật Bản, Đức, Singapore, Anh, Ấn Độ, Thái Lan… đang tăng cao, đặc biệt là từ tháng 3.
Đánh giá về hoạt động du lịch sau 1 tháng mở cửa hoàn toàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, hoạt động này đã có sự khởi sắc. Trong đó, thị trường nội địa đã cơ bản phục hồi, thị trường quốc tế đang có nhiều tín hiệu vui. Tới đây, Việt Nam sẽ tổ chức nhiều sự kiện, trong đó có SEA Games 31, là cơ hội tốt để gia tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Vì thế, ông Nguyễn Trùng Khánh lưu ý các địa phương cần chuẩn bị tốt khâu quảng bá, sản phẩm chất lượng và nguồn nhân lực để đón khách trong thời gian tới.
Điều đáng ghi nhận là các địa phương rất chú trọng việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của du khách để xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện. Tại Đà Nẵng, chủ nhà hàng Năm Rảnh ở quận Sơn Trà đã bị xử phạt 25 triệu đồng, vì khách ăn hết 2 triệu đồng, nhưng quán tính tiền 3 triệu đồng. Tại Khánh Hòa, chủ nhà hàng hải sản Bờ Kè Tháp Bà 86 (số 29 đường Phạm Văn Đồng, thành phố Nha Trang) bị xử phạt hơn 13 triệu đồng do chưa đủ điều kiện an toàn thực phẩm và niêm yết giá gây nhầm lẫn cho du khách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.