(HNM) - Gần đây, các hãng hàng không liên tiếp mở các đường bay thẳng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lữ hành xây dựng thêm tour mới nhằm tăng sự lựa chọn cho du khách.
Thêm đường bay có thêm khách?
Để đón trước nhu cầu đi lại dịp cuối năm cũng như tạo đà cho du lịch có điều kiện phát triển, nhiều hãng hàng không mở đường bay mới đến các điểm du lịch hấp dẫn. Việc ra đời nhiều đường bay thẳng trong thời gian gần đây đã hỗ trợ rất lớn cho việc phát triển tour ngắn ngày phục vụ du khách có nhu cầu nghỉ dưỡng cuối tuần.
Để thu hút khách đi du lịch cần có sự phối hợp giữa các hãng hàng không và công ty lữ hành. Ảnh: Yến Ngọc |
Sau gần 10 năm gián đoạn, đường bay thẳng Hải Phòng - Đà Nẵng và ngược lại do Vietnam Airlines quản lý và khai thác đã chính thức khai tuyến trở lại với tần suất 5 chuyến/tuần. Không chỉ tạo cơ hội thúc đẩy, hợp tác phát triển kinh tế giữa hai thành phố, sự trở lại của đường bay này còn gắn kết các tour du lịch "vàng" trong vùng tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long với "Con đường di sản miền Trung". Air Mekong cũng đã mở đường bay thẳng đến Phú Quốc để du khách dễ dàng có được những chuyến hành trình thú vị khám phá đảo ngọc xinh đẹp này. Từ ngày 1-12, Air Mekong lại tiếp tục mở đường bay Vinh (Nghệ An) - Pleiku (Gia Lai) với 3 chuyến/tuần.
Không chỉ có đường bay trong nước, đầu tháng 11 vừa qua, Hãng hàng không TransAsia đã khai thác đường bay thẳng Hà Nội - Cao Hùng (Đài Loan). Hãng hàng không Mandarin Airlines cũng khai trương đường bay thẳng từ Đài Chung (Đài Loan) đến Hà Nội. Chuyến bay thẳng từ Việt Nam đi Anh đầu tiên sẽ được Vietnam Airlines thực hiện vào ngày 8-12 tới sau nhiều tháng chuẩn bị. Theo đó, mỗi tuần sẽ có 4 chuyến bay thẳng từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tới sân bay Gatwick (London) bằng máy bay Boeing 777.
Tại cuộc tọa đàm về phát triển vùng du lịch duyên hải miền Trung diễn ra mới đây tại Hà Nội do Tổng cục Du lịch tổ chức, nhiều doanh nghiệp lữ hành phàn nàn, giao thông không thuận lợi, đặc biệt là đường hàng không, là một trong những rào cản lớn đối với sự phát triển của ngành du lịch. Việc mở thêm nhiều đường bay thẳng đã tạo điều kiện cho cả hai bên du lịch và hàng không, cùng tiến triển tốt. Tuy nhiên, để có được những chiến dịch lớn, kích cầu du lịch trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì việc hợp tác này vẫn chưa đâu vào đâu. Hiện hàng không vẫn hoạt động dựa trên lợi nhuận của mình nên áp dụng giá vé cho du khách bằng với vé phổ thông, thậm chí thỉnh thoảng hàng không trong nước còn bán vé cho người nước ngoài rẻ hơn khách trong nước...
Thiếu điều hành vĩ mô?
Dự báo mùa du lịch Tết sắp tới, kỳ nghỉ có thể kéo dài tới 9 ngày, lượng khách du lịch và khách hồi hương, thăm thân sẽ tăng cao. Đây là cơ hội tăng doanh thu cho cả doanh nghiệp lữ hành và các hãng hàng không. Nhưng để bảo đảm chất lượng và giá cả vào mùa cao điểm rất cần sự phối hợp chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, giá vé máy bay nội địa vẫn khá cao. Vì chi phí di chuyển lớn nên hiện giá tour từ TP Hồ Chí Minh đi Thái Lan chỉ có 7 triệu đồng, còn giá tour đi miền Bắc tới 12 triệu đồng. Giá cả như vậy thì giá tour nội địa khó có thể cạnh tranh với tour ngoại.
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, du lịch chúng ta thua ngay trên "sân nhà" không phải vì sản phẩm du lịch của Việt Nam thua kém mà vì giá vé máy bay cao hơn tất cả các nước trong khu vực. Nếu hai bên du lịch và hàng không không có sự điều phối, trợ giúp nhau về giá, về quảng bá mà cứ "mạnh ai nấy làm" thì giá tour không thể cạnh tranh được.
Để thúc đẩy du lịch nội địa phát triển và góp phần tạo điều kiện cạnh tranh tốt nhất, theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông Vietravel, hàng không cần có những chính sách giá linh hoạt dành cho những khoảng thời gian khởi hành đầu và cuối tuần, thường xuyên đưa ra chính sách kích cầu ở những chặng, tuyến có số lượng khách đăng ký hạn chế để kích thích nhu cầu, đồng thời tạo điều kiện cho các công ty lữ hành triển khai các đường tour, thông qua đó tạo sự cân đối về lượng khách giữa các vùng, miền. Hình ảnh mà ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Hanoitourist ví von rất đáng để suy nghĩ: "Lữ hành và hàng không là hai cánh của một máy bay. Máy bay không thể cất cánh nếu một trong hai cánh bị hỏng. "Sửa chữa" lỗi này không quá khó nhưng sao vẫn không thể tiến hành? Phải chăng là do thiếu sự điều hành vĩ mô?"
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.