(HNMCT) - Sau khi dịch Covid-19 lắng xuống, việc mở cửa đón khách du lịch trở lại, đặc biệt là khách quốc tế mang ý nghĩa sống còn đối với ngành Du lịch. Tuy nhiên, không phải cứ mở cửa là khách sẽ tới khi nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn. Vì thế, để phá "tảng băng” đã khiến ngành Du lịch bị tê liệt suốt hai năm qua, cần có sự chung tay vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp với nhiều giải pháp đồng bộ.
Phục hồi du lịch là yêu cầu cấp bách
Chưa bao giờ du lịch phải “ngủ đông” dài như thời gian vừa qua. Dịch Covid-19 kéo dài suốt hai năm đã khiến cả ngành Du lịch lao đao. Bức tranh ảm đạm ấy thể hiện qua số liệu của Tổng cục Thống kê: 9 tháng năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 114,5 nghìn lượt (giảm 97% so với cùng kỳ năm 2020), khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% so với năm 2020 (đạt 31,5 triệu lượt khách), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỷ đồng (giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020). Theo các nhà quản lý và chuyên gia du lịch, sau 4 đợt dịch bùng phát, du lịch đã “chạm đáy”. Bởi vậy, việc khôi phục hoạt động là yêu cầu cấp bách của ngành Du lịch trong thời điểm hiện nay.
Nhìn ra nước ngoài, dù dịch bệnh chưa có dấu hiệu chấm dứt hoàn toàn nhưng Thái Lan, Singapore, Malaysia... đã mạnh dạn đưa ra những mô hình du lịch an toàn để thu hút khách. Tuy số lượng khách quốc tế chỉ ở mức khiêm tốn, nhưng những mô hình “Hộp cát Phuket” (Thái Lan), “Làn đi lại vắc xin - VTL” (Singapore), “Bong bóng du lịch” (Malaysia) hay "Kế hoạch Tam giác vàng" của Jordan, "Thẻ xanh kỹ thuật số" của Israel... cho thấy triển vọng trong việc khôi phục hoạt động du lịch mà Việt Nam có thể học tập.
Không nằm ngoài xu thế này, đầu tháng 10-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ hội để ngành Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành có thể đón khách nội địa, hướng tới đón khách quốc tế trong thời gian sớm nhất.
Với những điều kiện, lợi thế nổi trội cả về tiềm năng du lịch lẫn khả năng bảo đảm an toàn về phòng chống dịch cho du khách và người dân, Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam là những địa phương đầu tiên được Chính phủ quyết định thí điểm đón khách quốc tế theo 3 giai đoạn. Đây là những địa phương đã sẵn sàng mọi điều kiện để “mở cửa” đón những vị khách quốc tế đầu tiên sau gần 2 năm gián đoạn. Theo đó, việc đón khách quốc tế dự kiến được triển khai từ cuối tháng 11-2021 (giai đoạn 1), giai đoạn 2 từ tháng 1-2022 và giai đoạn 3 sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu. Du khách sẽ đi theo hình thức “hộ chiếu vắc xin”, đáp ứng các yêu cầu về tiêm chủng, xét nghiệm PCR và tham gia hình thức du lịch trọn gói của các doanh nghiệp lữ hành.
Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện tại, việc đưa khách quốc tế vào là điều tất yếu, nhưng làm sao để bảo đảm an toàn cho du khách, cộng đồng và điểm đến vẫn là điều khiến không ít địa phương băn khoăn. Sự thận trọng là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải có các giải pháp đồng bộ, phù hợp với từng địa phương và cả nước, song song với đó là dám nghĩ, dám làm, dám thử nghiệm như các quốc gia đi trước. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Thương mại và Marketing Vietjet Air, muốn phá “băng” du lịch, cần có sự phối hợp giữa Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam với các đơn vị vận chuyển, lữ hành, lưu trú... để đưa ra những sản phẩm phù hợp với giai đoạn mới. Trong đó, vấn đề an toàn được đặt lên hàng đầu và là yếu tố quan trọng nhất.
Thời gian vừa qua cho thấy rõ tầm quan trọng của khách du lịch nội địa. Mặc dù doanh thu du lịch từ thị trường khách nội địa không thể so được với khách quốc tế, nhưng hoạt động đón khách du lịch nội địa, nội tỉnh đã góp phần duy trì hoạt động của ngành Du lịch, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và các ngành kinh tế khác. Hơn nữa, theo các chuyên gia du lịch, nếu du lịch nội địa diễn ra sôi động sẽ càng khiến du khách quốc tế cảm nhận được Việt Nam thực sự là điểm du lịch an toàn và đáng đến sau khi dịch bệnh qua đi.
Thu hút khách bằng lợi thế nổi trội
Dịch Covid-19 đã thay đổi suy nghĩ, quan niệm và cách đi du lịch của du khách. Yếu tố an toàn, nguy cơ dịch bệnh thấp được đặt lên cao nhất so với các tiêu chí thu hút khách tại các điểm đến hiện nay, sau đó mới đến sức hấp dẫn của tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa và cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch... Ngoài các yếu tố trên, các loại hình du lịch chuyên biệt như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch golf được cho là lợi thế nổi trội của Việt Nam để thu hút khách du lịch quốc tế. Hiện nay, các khu du lịch nghỉ dưỡng gắn với suối khoáng nóng, chăm sóc sức khỏe đang ngày càng được du khách quốc tế ưa chuộng, đặc biệt là khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Tiến sĩ Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) đánh giá: “Việt Nam có tài nguyên du lịch suối khoáng nóng vô cùng đa dạng, phong phú với hơn 400 mỏ nước khoáng phân bố trên khắp cả nước. Chất lượng nguồn nước khoáng nóng ở Việt Nam rất tốt, vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa có thể đầu tư xây dựng thành các điểm du lịch với cảnh quan đẹp để thu hút khách”.
Một lợi thế nổi trội khác được kỳ vọng là sản phẩm thu hút đối tượng khách quốc tế có mức chi tiêu cao đến Việt Nam sau dịch là du lịch golf. Mới đây, Tổ chức Giải thưởng World Golf Awards đã công bố Việt Nam là "Điểm đến Golf tốt nhất thế giới" và "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á". Đây là năm thứ 2 Việt Nam được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất thế giới" (2019, 2021) và 5 năm liên tục là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á" kể từ năm 2017. Danh hiệu này là “tấm thẻ thông hành” để du lịch golf của Việt Nam tự tin cạnh tranh với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới sau khi dịch bệnh được kiểm soát và ngành Du lịch hồi phục. Hơn nữa, theo Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, môi trường hoạt động của loại hình du lịch golf khá an toàn, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh bởi tính biệt lập với dân cư bản địa và được khoanh vùng trong khu vực khách sạn, khu nghỉ dưỡng có sân golf. “Đây là loại hình du lịch cần được quan tâm, đầu tư xây dựng và xúc tiến quảng bá nhiều hơn để thu hút đối tượng khách quốc tế có mức chi tiêu cao đến Việt Nam, qua đó, gia tăng doanh thu cho ngành Du lịch” - ông Thắng nói.
Như vậy, để phá được “tảng băng” đang cản trở sự phát triển, hồi phục của ngành Du lịch, rất cần sự chung tay của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng để ngành công nghiệp không khói mau chóng hồi phục. Song song với các giải pháp bảo đảm an toàn cho du khách, xây dựng sản phẩm, cần tăng cường tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam tới các thị trường trọng điểm trên các nền tảng mạng xã hội và các kênh truyền thông quốc tế lớn, để du khách ưu tiên lựa chọn Việt Nam như một điểm du lịch “phải đến” ngay khi dịch bệnh được kiểm soát và cánh cửa du lịch quốc tế rộng mở đón khách.
“Việc mở cửa thị trường quốc tế là con đường duy nhất giúp khôi phục du lịch. Chúng ta có thể làm chậm một chút nhưng cái đích vẫn là phải mở cửa cho khách quốc tế vào trong thời gian sớm nhất. Chỉ khi có khách quốc tế, các hoạt động kinh tế đối ngoại mới khởi động trở lại và xã hội mới phát triển một cách bình thường”.
(Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.