(HNM) - Trên thế giới, du lịch nông nghiệp đã hình thành và phát triển từ nhiều năm trước. Anh, Pháp, Đức, Áo... là những quốc gia mạnh về mặt này với hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh loại hình du lịch nông nghiệp ở mỗi nước.
Đây cũng được coi là một hình thức xuất khẩu nông sản tại chỗ, đồng thời giới thiệu đến du khách nét đẹp trong lao động, văn hóa của các vùng, miền. Việt Nam sở hữu điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này, nhưng tiềm năng chưa được khai thác một cách bài bản.
Khách du lịch nước ngoài tham gia cấy lúa tại làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Văn Dũng |
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Ông Nguyễn Ngọc An - Giám đốc thị trường du lịch trong nước của Fiditour cho biết, đặc thù cơ cấu kinh tế nước ta và nền văn hóa lúa nước phát triển lâu đời đã để lại nhiều thành tựu, di sản quan trọng cho sự hình thành và phát triển của loại hình du lịch nông nghiệp. Trong đó, các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng châu thổ Nam Bộ, Bắc Bộ được đánh giá là có tiềm năng dồi dào, phù hợp để xúc tiến du lịch nông nghiệp. Tiêu biểu như vùng đất An Giang có sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Cỏ chảy ngang, hình thành nhiều cù lao với cảnh quan đẹp. Tiền đề đó rất thích hợp cho địa phương này phát triển du lịch sông nước, đưa khách tới rừng tràm Trà Sư, khu di tích Xẻo Quýt, tham gia các hoạt động ngoài trời thú vị như lội ruộng bắt cá, săn chuột đồng, hái bông điên điển… Các địa phương ở khu vực Tây Bắc cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, đặc biệt là khả năng khai thác sức hấp dẫn có từ các giai đoạn gieo trồng, thu hoạch nông sản trên ruộng bậc thang như Mù Cang Chải, Dế Xu Phình…
Tùy theo từng tháng, từng mùa mà một số địa phương có thể lập kế hoạch thu hút khách, như thời điểm nước sông Mekong dâng cao (mùa nước nổi tháng 9) là "đặc sản" du lịch An Giang; như tháng 10 và 11, Tây Bắc vào độ lúa chín, tạo nên khung cảnh đẹp nao lòng. Đến tết Nguyên đán, làng hoa tết Tân Quy Đông (Đồng Tháp) trở thành điểm hẹn ưa thích của nhiều du khách. Bên cạnh khoảng thời gian cao điểm theo mùa nông nghiệp, các hoạt động tham quan nhà vườn ở khu vực Tây Nam Bộ có thể được duy trì quanh năm, tạo cơ hội cho du khách tự tay hái trái cây, nghe đờn ca tài tử, thưởng thức món ăn dân dã… Ngoài ra, việc phát triển du lịch nông nghiệp tại Việt Nam còn có thuận lợi nữa là lượng khách quan tâm tới lĩnh vực này ngày càng lớn vì người dân có xu hướng quan tâm tới thực phẩm ngon, sạch và không gian sinh hoạt ấm cúng của các nông hộ, các gia trại, các cộng đồng nông nghiệp làng xã.
Cần một kế hoạch bài bản
Theo ông Lê Công Năng (Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour): Đến nay, các tour du lịch nông nghiệp tồn tại ở dạng đơn lẻ và ngành du lịch vẫn chưa có kế hoạch thúc đẩy loại hình kinh tế du lịch quan trọng này. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân sự hạn chế về trình độ ngoại ngữ, phong cách phục vụ không chuyên nghiệp, sản phẩm chưa rõ tính đặc trưng cũng là điểm hạn chế của du lịch nông nghiệp Việt Nam. Trên thực tế, do đặc điểm loại hình mang tính thời vụ nên nhiều doanh nghiệp lữ hành chưa mặn mà triển khai. Ngay cả Vietrantour hiện nay cũng chưa thể đưa du lịch nông nghiệp chuyên biệt thành dòng tour phổ thông để chào bán. Lý do là bởi các khu vực, điểm phát triển loại hình du lịch này chưa được quảng bá mạnh mẽ, cơ sở vật chất phục vụ chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều điểm đến không nằm trong tuyến đường thuận tiện để kết nối với các điểm đến hấp dẫn khác.
Tháng 9-2014, TS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học và Phát triển du lịch bền vững đã phát triển sản phẩm du lịch từ cây lúa cho điểm đến làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội) với nhiều hoạt động tham quan và thưởng ngoạn cánh đồng lúa chín; tổ chức các đám cưới trên cánh đồng, thi làm hình nộm bằng rơm, ngắm cảnh gặt lúa, phơi lúa, ngủ đêm trên cánh đồng để hưởng thụ hương lúa vào ban đêm; đốt lửa trại, thả đèn đom đóm, ngắm trăng đã mang lại cảm giác thú vị cho du khách. Ngoài ra, du khách có thể tham gia cấy lúa, trồng rau, bắt cua ngoài đồng, câu cá, thả diều, thưởng thức các bữa cơm theo nhiều chủ đề khác nhau để trải nghiệm các giá trị văn hóa ẩm thực từ hạt gạo Việt Nam. Tour du lịch này dù mới đưa vào khai thác nhưng đã bắt đầu gặt hái "trái ngọt", cần được quảng bá mạnh mẽ hơn nữa.
Theo các chuyên gia du lịch, để khắc phục điểm hạn chế do yếu tố thời tiết và đặc điểm thời vụ của loại hình du lịch nông nghiệp, các cơ quan quản lý về du lịch cần chia sẻ ngân sách quảng cáo với các đơn vị lữ hành để tập trung thu hút khách mua sản phẩm tour vào đúng thời điểm thu hoạch, làm nghề. Ông Nguyễn Ngọc An cho rằng, trong tương lai, giải pháp then chốt để du lịch nông nghiệp phát triển là đầu tư đồng bộ, hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất tại địa phương. Cùng với đó là nâng cao chất lượng đội ngũ làm du lịch, nâng cao chất lượng công tác quảng bá sâu rộng loại hình du lịch đặc biệt này. Nếu được tiến hành một cách bài bản, du lịch nông nghiệp tại Việt Nam có khả năng đạt nhiều thành tựu trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.