Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch học tập: Chưa tận dụng được lợi ích kép

Lâm Vũ| 19/03/2016 07:05

(HNM) - Khảo sát các tour cho thấy, du lịch học đường dường như vẫn còn là một khoảng trống, dù Việt Nam có tới 22 triệu học sinh, sinh viên - lượng khách hàng rất lớn có khả năng mang lại doanh thu tốt cho ngành Du lịch.


Lợi ích kép từ du lịch học đường

Vừa trở về từ một tour du lịch học đường tại Trang trại Đồng quê Ba Vì, em Nguyễn Thanh Hải, học sinh Trường Tiểu học thị trấn Cầu Diễn vui vẻ cho biết: "Được tham gia vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp như xay lúa, giã gạo, tát nước, úp nơm bắt cá và nướng cá bằng rơm, em cảm thấy rất thú vị. Không những vậy, em hiểu rõ hơn nỗi vất vả của các bác nông dân khi làm ra hạt gạo cũng như công sức của mẹ khi hằng ngày nấu cơm và chăm sóc cho em". Chia sẻ của Hải cho thấy, những trải nghiệm từ chuyến du lịch học tập đã cung cấp cho học sinh những hiểu biết thực tế về cuộc sống bên ngoài cũng như giáo dục cho các em lòng biết ơn đối với những người đã có công sinh thành, dưỡng dục.

Du lịch học tập đem lại cho các học sinh nhiều kiến thức bổ ích.


Không chỉ mang lại lợi ích cho ngành Giáo dục và Du lịch, du lịch học tập còn mang lại lợi ích cho sự phát triển của xã hội nói chung. Nó tạo ra sự giao lưu văn hóa, trao đổi tri thức, gắn kết các dân tộc, địa phương đồng thời thúc đẩy kinh tế phát triển.

Bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Du lịch Việt Nam đang bỏ lỡ một lượng khách hàng lớn giàu tiềm năng. Thị phần khách hàng là các trường quốc tế tại Việt Nam và du khách quốc tế đang rơi vào tay các công ty 100% của người nước ngoài.

Đi để học là phương pháp học tập được khuyến khích ở hầu hết các nước trên thế giới. Ở các nước phát triển, phần lớn học sinh, sinh viên đều có kế hoạch tham gia các chuyến du lịch học tập ít nhất một lần trong đời. Ngay cả những người đã đi làm cũng có những kế hoạch du lịch mà ở đó mục đích học tập được đặt lên hàng đầu. Những năm gần đây, các tập đoàn du lịch học tập lớn đã hình thành, ví dụ như Tập đoàn Du lịch EF - EducationFirst của Anh đã có mặt trên 80 quốc gia và lãnh thổ nhằm phục vụ nhu cầu đi để học của du khách trên toàn thế giới.

Tại các nước đang phát triển, một số quốc gia cũng xây dựng hẳn một chiến lược biến đất nước trở thành điểm đến cho các chương trình du lịch giáo dục và du học mà điển hình là Malaysia. Năm 2015, Bộ Giáo dục nước này đã phối hợp với Bộ Du lịch và Văn hóa tung ra chiến dịch "Malaysia - 101 gói du lịch kết hợp với giáo dục" tại Tuần lễ giáo dục Malaysia nhằm tiến thêm bước nữa trong nỗ lực thúc đẩy du lịch Malaysia trên sân khấu toàn cầu.

Chưa tận dụng được cơ hội

Tại nước ta, việc tổ chức các chương trình du lịch tham quan có mục đích học tập đã được tổ chức từ nhiều năm nay. Có hai cách tổ chức, một là các trường tự tổ chức, hai là thuê các công ty du lịch. Khi các cơ sở giáo dục, đào tạo tự tổ chức thường phát sinh nhiều khó khăn và rủi ro do số lượng học sinh, sinh viên lớn và không chuyên nghiệp nên các đơn vị không lường trước cũng như không kiểm soát được tour dẫn đến chất lượng của các chuyến đi không tốt, hiệu quả học tập không cao, thiếu an toàn.

Các tour du lịch học tập do các công ty du lịch thực hiện có khá hơn nhưng vẫn chưa đạt chất lượng bởi lẽ hầu hết các công ty du lịch vẫn xem học sinh, sinh viên, giảng viên, các nhà nghiên cứu... là dạng khách có nhu cầu riêng biệt. Họ cũng chưa thật sự coi đây là một thị trường đặc thù cần có những sản phẩm chuyên nghiệp và cách tổ chức chuyên biệt. Chính vì lẽ này mà sản phẩm của họ được gắn tên du lịch học tập nhưng nội dung và cách tổ chức không khác gì các tour truyền thống.

Khảo sát cũng cho thấy, giá tour du lịch học tập hiện nay tương đối thấp, chỉ khoảng vài trăm nghìn với tour có hành trình một ngày, số tour có giá lên tới chục triệu, hành trình từ 2 ngày trở lên rất hiếm và chỉ có một vài trường THPT trong TP Hồ Chí Minh mới dám tổ chức cho học sinh tham gia. Giá tour rẻ tất yếu dẫn đến chất lượng tour thấp, dịch vụ và công tác tổ chức sơ sài và thiếu chuyên nghiệp.

Lý giải về thực trạng của du lịch học đường, ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Five Stars Travel cho rằng, hiện tại, ngoài một số khu du lịch học tập được xây dựng tập trung cho vui chơi và hướng nghiệp như Kid City, Viet Topia, Trang trại Era House, Trang trại Đồng quê Ba Vì…., các điểm đến khác vẫn chưa được đầu tư phục vụ cho nhu cầu học tập đặc thù. Mặt khác, ngành Giáo dục vẫn chưa có những nhận thức đúng mực về các chuyến du lịch học tập. Tâm lý dè dặt, lo sợ nguy hiểm khi cho các em đi học tập bên ngoài lớp học của phụ huynh và chính nhà trường khiến cho nhu cầu hiện nay của các trường chỉ dừng lại ở việc một năm cho học sinh, sinh viên đi ngoại khóa từ 1 đến 2 lần và chuyến đi mang tính chất vui chơi, giải trí là chủ yếu. "Nhân lực phục vụ tour học tập cần có những nghiệp vụ chuyên biệt như nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng chăm sóc trẻ, kỹ năng sơ cấp cứu, phương pháp truyền đạt kiến thức sư phạm… Thế nhưng nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho loại hình du lịch này còn rất ít", bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, đại diện Nguyễn Gia Travel, vì lợi ích của ngành Du lịch cũng như ngành Giáo dục, cần có sự hợp tác của ngành Giáo dục mà cụ thể là Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành. Các sở nên có quy định mỗi năm, học sinh phải đi thực tế một số lần nhất định. Hiện Hà Nội là địa phương đã có quy định rõ về việc này. Bên cạnh đó là sự phối hợp của các bậc phụ huynh bằng việc thay đổi nhận thức, coi du lịch học tập là một cách đầu tư cho giáo dục một cách hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch học tập: Chưa tận dụng được lợi ích kép

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.