Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch Hà Giang: Điểm đến tiềm năng sau dịch Covid-19

Hoàng Lân| 29/10/2021 17:54

(HNMO) - Ngày 29-10, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hội thảo "Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang".

Toàn cảnh hội thảo "Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang".

Nơi hấp dẫn sau dịch Covid-19

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, hiện tỉnh hình thành 3 không gian du lịch gồm: Không gian du lịch đồi núi thấp (thành phố Hà Giang, Bắc Mê, Vị Xuyên); Không gian du lịch đồi núi đá – Công viên địa chất toàn cầu (gồm các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) và Không gian du lịch đồi núi phía Tây Nam (Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình). Từ 3 không gian du lịch này, tỉnh Hà Giang xác định 3 dòng sản phẩm du lịch chính: Du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, mặc dù là tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở nhưng nhiều năm trở lại đây, Hà Giang đã xây dựng được nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách. Vì thế, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hà Giang nằm trong số ít địa phương được du khách nội địa lựa chọn nhiều để khám phá. Đầu năm 2021, Hà Giang nằm trong tốp 10 điểm đến tuyệt vời nên khám phá tại Việt Nam do hãng truyền thông CNN bình chọn.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh Hà Giang đang xây dựng dự thảo kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn năm 2030. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Giang Nguyễn Thị Hoài thông tin, tỉnh Hà Giang đã có kế hoạch phát triển nhiều loại hình du lịch và sản phẩm du lịch mới. "Hà Giang sẽ phát triển thêm sản phẩm du lịch văn hoá, trong đó nâng cấp các lễ hội của bà con đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển một số loại hình du lịch mạo hiểm như: Đi bộ trên vách đá trắng, đi thuyền trên sông Nho Quế, dù lượn trên mùa vàng, chạy marathon, lễ hội khinh khí cầu... Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang còn hướng tới sản phẩm du lịch thương mại biên giới, phát triển một số trung tâm mua sắm, giới thiệu nông sản địa phương", bà Nguyễn Thị Hoài cho biết.

Các cung đường của Hà Giang là sản phẩm trải nghiệm khó quên đối với du khách và cũng là một trong những điểm hấp dẫn những du khách thích khám phá, mạo hiểm.

Hoàn thiện sản phẩm, đón khách an toàn

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, du lịch Hà Giang vẫn tồn tại nhiều hạn chế, chưa khai thác hết tài nguyên. Ông Nguyễn Văn Sơn thừa nhận, hiện nay quy hoạch du lịch và kết cấu hạ tầng trong phát triển du lịch của tỉnh còn chưa đồng bộ; thiếu các điểm vui chơi giải trí; sản phẩm còn đơn điệu, thiếu sức cạnh tranh so với nhiều tỉnh, thành phố khác trong vùng núi phía Bắc.

Đóng góp ý kiến cho việc phát triển du lịch tỉnh Hà Giang, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng, Hà Giang cần phải nâng cao nhận thức của bà con để giữ gìn bản sắc riêng. Ngoài ra, Hà Giang cần tập trung thêm sản phẩm du lịch số, đưa các ứng dụng công nghệ vào việc quản lý, quảng bá cũng như xây dựng sản phẩm du lịch mới.

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, du lịch mạo hiểm với các hình thức du lịch caravan (tự lái xe), leo núi, dù lượn, khám phá hang động... đang là sản phẩm du lịch thu hút du khách sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả dòng sản phẩm này, Hà Giang cần chú trọng việc quản lý điểm đến, xây dựng lộ trình khép kín để tạo niềm tin, an toàn cho du khách. Ngoài ra, Hà Giang cần "bắt tay" với các tỉnh lân cận như Cao Bằng, Bắc Kạn để xây dựng sản phẩm mạo hiểm liên kết vùng.  

Thời điểm này, các cánh đồng hoa tam giác mạch tại Hà Giang bắt đầu vào mùa, trở thành những điểm hấp dẫn du khách.

Ngay khi mở cửa đón khách, các điểm làng văn hóa cộng đồng của Hà Giang thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm.

Ở góc độ lữ hành, Giám đốc Công ty du lịch NewWorld Lê Thị Thanh Hòa cho rằng, để các đơn vị lữ hành thuận lợi hơn trong việc đưa khách đến Hà Giang thì các điểm đến của Hà Giang cần phải cụ thể hơn các chính sách về giá. Còn theo Giám đốc Công ty du lịch AZA Nguyễn Tiến Đạt, để thu hút du khách hơn nữa, Hà Giang cần chú ý đến việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, giữ gìn môi trường cảnh quan, giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân tộc không chỉ ở các lễ hội mà ở ngay cả trong những phiên chợ.

Tại buổi hội thảo, UBND tỉnh Hà Giang và Hiệp hội Du lịch Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ trong việc hợp tác, phát triển du lịch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý khẳng định, tỉnh Hà Giang đã sẵn sàng đón khách du lịch. Hiện tỉnh đạt 80% tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1, nhân lực trong ngành du lịch đã được đào tạo các quy trình đón khách bảo đảm an toàn.

Từ ngày 26 đến 29-10, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức chuyến khảo sát du lịch đầu tiên đến Hà Giang sau đợt dịch Covid-19 thứ 4 với sự tham gia của khoảng 30 đơn vị lữ hành. Chuyến khảo sát nhằm xây dựng sản phẩm du lịch mới bảo đảm yếu tố an toàn "xanh - xanh" để thí điểm đón khách, từng bước phục hồi du lịch Việt Nam. Sau chuyến khảo sát, thí điểm, các đơn vị lữ hành sẽ tổ chức các chuyến đưa khách đến Hà Giang bảo đảm tiêu chí an toàn, khép kín.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Hà Giang: Điểm đến tiềm năng sau dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.