Điểm đến

Du lịch Hà Giang: Định vị thương hiệu từ bản sắc văn hóa

Bài và ảnh: Linh Tâm 28/10/2023 10:02

Hà Giang là nơi khiến du khách muốn đến và trở lại nhiều lần. Giống như cuốn tiểu thuyết nhiều chương, hồi thú vị, càng đọc càng lôi cuốn, Hà Giang hấp dẫn du khách bằng vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ của thiên nhiên, bằng sự đậm đặc của những sắc màu văn hóa bản địa và bằng sự nồng ấm của tình người, để rồi khiến người ta cứ muốn quay trở lại bởi luôn có nhiều điều hấp dẫn chờ được khám phá...

Đấy là cách mà Hà Giang định vị thương hiệu và vị trí của mình trên bản đồ du lịch và trong lòng du khách.

du-khach-tham-quan-m-t-home.jpg
Du khách tham quan một homestay tại Làng VHDLCĐ Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn).

Bản sắc văn hóa - “bệ phóng” phát triển du lịch

Vùng đất địa đầu Hà Giang đóng vai trò “phên giậu” của Tổ quốc, là nơi 19 đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống và phát triển, tạo nên bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng. Sự hòa quyện giữa nguồn tài nguyên thiên nhiên với tài nguyên văn hóa được kết tinh từ chiều dài lịch sử, từ những phong tục tập quán truyền thống lâu đời đã trở thành “bệ phóng” để du lịch Hà Giang “cất cánh”, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Du khách đến Hà Giang không chỉ bị hấp dẫn bởi những danh lam thắng cảnh hùng vĩ, nên thơ như đèo Mã Pì Lèng, đỉnh Tây Côn Lĩnh, núi đôi Quản Bạ, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Cao nguyên đá Đồng Văn..., mà còn bởi tính đa dạng văn hóa độc đáo ở mỗi bản làng. Những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn coi trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng bởi đây là cách phát triển bền vững, hiệu quả nhất.

hg1.jpeg
Du khách giao lưu với trẻ em Làng VHDLCĐ Lũng Cẩm Trên (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn). Ảnh: Linh Tâm

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) gồm các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Lô Lô, La Chí, Bố Y... với tổng số 1.603 hộ và 7.146 nhân khẩu. Mỗi làng thường là nơi một hoặc một vài dân tộc quây quần sinh sống theo phong tục, tập quán truyền thống, tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng. Chẳng hạn như Làng VHDLCĐ Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) là nơi đồng bào dân tộc Mông và Lô Lô đen sinh sống trong những ngôi nhà trình tường mái lợp ngói máng, sinh sống chủ yếu bằng nghề dệt thổ cẩm, thêu và mộc; Làng VHDLCĐ thôn Hạ Thành (xã Phương Độ, thành phố Hà Giang) là nơi 120 hộ đồng bào dân tộc Tày quây quần, hiện còn giữ các nghề truyền thống như nghề làm cối giã gạo sử dụng sức nước, nghề làm nhạc cụ, làm bánh dân tộc.

Trong khi đó, Làng VHDLCĐ thôn Lũng Cẩm Trên (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn) - nơi tập trung sinh sống của 3 dân tộc Lô Lô, Mông, Hoa còn giữ gìn nguyên vẹn những ngôi nhà có lối kiến trúc truyền thống với mái lợp ngói hoặc tranh, tường được trình bằng đất sét và có hàng rào đá xám xếp bằng tay bên ngoài...

Bản sắc văn hóa truyền thống ấy chính là chất liệu để Hà Giang xây dựng nên những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, thu hút du khách. Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch (TTXTDL) Hà Giang Đặng Quốc Sử, nhiều làng VHDLCĐ ở Hà Giang đã tạo dựng và đang khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với những lợi thế sẵn có, được du khách ưa chuộng như trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp cùng người dân, thưởng thức văn nghệ dân gian gắn với tour đi xe đạp, trekking (đi bộ đường dài), tham quan làng bản...

Qua đó, người dân đã chủ động phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế, tạo sinh kế ổn định, nâng cao thu nhập và đời sống; đồng thời, nâng cao ý thức trong việc khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên du lịch.

Với định hướng đúng đắn, phù hợp của ngành Du lịch tỉnh Hà Giang, mô hình homestay tại các làng VHDLCĐ ngày càng phát triển, không ít trong số đó đã đón hàng nghìn lượt khách mỗi năm, mang lại cho các hộ thu nhập ổn định cho bà con, trung bình từ 50 - 70 triệu đồng/hộ/năm; điển hình như các Làng VHDLCĐ Lũng Cẩm Trên, Nặm Đăm, Hạ Thành, thôn Chì, thôn Tha, thôn Nậm Hồng...

Là một người đi tiên phong trong việc phát triển du lịch homestay, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) Sình Dỉ Gai cho biết: “Ban đầu, chúng tôi không biết làm du lịch, nhưng được các cán bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cùng chính quyền địa phương hướng dẫn, cho học các khóa đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ nên giờ đây, cả thôn đã có hơn 30 hộ tham gia mô hình homestay và các loại hình dịch vụ như vận chuyển, nhà hàng... Nhờ đó, đời sống của bà con được cải thiện, số hộ nghèo giảm đáng kể".

hg3.jpeg
Du khách nước ngoài thưởng thức ẩm thực và tìm hiểu văn hoá bản địa tại Làng VHDLCĐ Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn). Ảnh: Linh Tâm

Ưu tiên công nghệ, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn 74 làng VHDLCĐ chưa được công nhận, nhưng con số này cho thấy tiềm năng phát triển là rất lớn. Với mục tiêu xây dựng các làng VHDLCĐ thành các trung tâm bảo tồn, phát huy và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của 19 dân tộc anh em nhằm giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế; đồng thời phát triển du lịch cộng đồng bền vững để phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân..., tháng 4-2020, tỉnh Hà Giang đã ban hành Đề án “Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2025”.

Theo đó, tỉnh đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2025 như 10% số hộ gia đình được hỗ trợ bảo tồn nhà truyền thống và nâng cấp, sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng; 20% hộ gia đình các dân tộc Bố Y, Dao, Lô Lô được tham gia các lớp truyền dạy nghệ thuật thêu trên trang phục truyền thống; 100% làng được hỗ trợ xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; 100% làng thành lập Câu lạc bộ phát triển du lịch cộng đồng... Thông qua các hoạt động dịch vụ du lịch tại 16 làng VHDLCĐ sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10% và tăng tỷ lệ hộ giàu, khá lên khoảng 28%.

hg2.jpeg
Khung cảnh yên bình tại Nhà của Pao - một điểm du lịch nổi tiếng ở Làng VHDLCĐ Lũng Cẩm Trên (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn). Ảnh: Linh Tâm

Hà Giang cũng xác định tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Theo Giám đốc Trung tâm TTXTDL Đặng Quốc Sử, đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm lan tỏa hình ảnh về mảnh đất và con người Hà Giang, tiềm năng, lợi thế du lịch của địa phương và các làng VHDLCĐ. “Chúng tôi đã đẩy mạnh việc chuyển đổi công nghệ số trong lĩnh vực du lịch để lan tỏa thương hiệu du lịch Hà Giang.

Ngay trong thời gian dịch Covid-19, Trung tâm đã ứng dụng công nghệ để quảng bá những nét văn hóa đặc sắc và cảnh đẹp của Hà Giang đến với du khách bằng hình thức tổ chức các tour online” - ông Sử cho biết. Cụ thể, trong năm 2021, Trung tâm đã triển khai 7 chương trình, sản phẩm. Năm 2022, Trung tâm đã triển khai 3 tour trực tuyến gồm: Khám phá mùa hoa và chợ phiên trên vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; Giới thiệu điểm đến giữa 2 Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Việt Nam) và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Mine - Yokiyoshidai (Nhật Bản); Khám phá, trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nhà vườn và dược liệu tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá thông tin du lịch thông qua hệ thống quét mã QR Code được lắp đặt tại 15 điểm tại các huyện, thành phố. Những hoạt động này không chỉ giúp du khách dễ dàng tìm hiểu, cập nhật thông tin về các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch mà còn giúp các công ty lữ hành xây dựng tour, tuyến, giới thiệu sản phẩm tới du khách.

Theo ông Đặng Quốc Sử, thời gian tới, Trung tâm TTXTDL sẽ triển khai các chương trình quảng bá du lịch trên các nền tảng mạng xã hội như Instagram, TikTok, YouTube... Cùng với đó, Trung tâm sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về chuyển đổi số trong du lịch; tiếp tục hỗ trợ các địa phương triển khai chuyển đổi số; thực hiện các chương trình, đề án về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số; phổ biến áp dụng rộng rãi các sản phẩm số cốt lõi trong hệ sinh thái du lịch thông minh; tăng cường liên kết với các bên liên quan triển khai các hoạt động chuyển đổi số về du lịch... Đây sẽ là công cụ hiệu quả để kéo gần khoảng cách giữa du khách và du lịch Hà Giang.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Hà Giang: Định vị thương hiệu từ bản sắc văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.