(HNM) - Những ngày đầu năm, các điểm di sản nổi tiếng như: Vịnh Hạ Long, Hội An, Mỹ Sơn, Cố đô Huế… vẫn đón lượng lớn du khách, là cơ sở để kỳ vọng về một
Nước ta hiện có số lượng khá nhiều di sản văn hóa và di sản thiên nhiên được thế giới vinh danh. Năm 2012, Việt Nam có thêm hai di sản được UNESCO công nhận, đó là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Phú Thọ) là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Du khách tham quan các thắng cảnh tại vịnh Hạ Long. Ảnh: Thu Giang |
Theo Bộ VH,TT&DL, những di sản đã vinh danh và chưa được vinh danh là kho tàng vô giá góp phần vào sự phát triển của ngành "công nghiệp không khói". Chính vì vậy, nhiệm vụ của ngành trong năm 2013 là phải tạo được sự liên kết để hình thành chuỗi giá trị về du lịch văn hóa, du lịch di sản.
Tại lễ công bố Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 vừa diễn ra, ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đã nêu những dự định lớn cho du lịch di sản, trong đó Năm Du lịch quốc gia 2013 được coi là điểm nhấn quan trọng. So với các vùng, miền khác, khu vực Đồng bằng sông Hồng có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa gắn liền với sự ra đời, tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam suốt mấy nghìn năm qua. Thêm vào đó, đây cũng là nơi tập trung "mỏ vàng" di sản quý giá ở tầm nhân loại, như: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Hoàng thành Thăng Long, Hội Gióng (Hà Nội), Dân ca Quan họ (Bắc Ninh)... Với ý nghĩa đó, năm 2013, Bộ VH,TT&DL đã chọn Đồng bằng Bắc bộ để tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề "Văn minh sông Hồng". Đây còn là sự tiếp nối sự kiện Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 chủ đề "Du lịch di sản" vừa khép lại với mong muốn giới thiệu, quảng bá đến du khách những vẻ đẹp độc đáo, đa dạng của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Tuy nhiên, cứ mỗi khi du lịch bước vào mùa cao điểm, nhiều di sản lại "khốn khổ" trước những ứng xử thiếu văn hóa của con người. Ví như mỗi mùa lễ hội, cảnh quan núi rừng chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) hay đền Hùng (Phú Thọ) vốn đẹp là thế cũng trở nên chật chội, lộn xộn, nhếch nhác, ô nhiễm với hàng quán tràn lan, mật độ người quá tải. Ngay tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trước mỗi mùa thi, nhiều cô, cậu học trò ngồi lên tượng rùa để chụp ảnh đã khiến nhiều người bức xúc, lên án. Rồi việc lăng Khải Định (Thừa Thiên Huế) bị xâm hại bởi hành vi thiếu văn hóa của một số du khách: thản nhiên nằm, ngồi la liệt, leo trèo lên các pho tượng... gây mất mỹ quan và làm ảnh hưởng đến hiện vật. Dù bị "thổi còi" nhưng dường như đến nay cảnh này vẫn tái diễn…
Trước thực tế trên khiến đại diện các đơn vị chức năng có liên quan bày tỏ quan điểm, di tích, di sản văn hóa là nơi lưu giữ chứng tích qua các giai đoạn lịch sử, là nơi lưu giữ những tinh hoa văn hóa, linh hồn của địa phương - dân tộc, vì vậy không thể gắn kết hoạt động kinh doanh với những giá trị tinh thần đó.
Hiện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đang hỗ trợ Việt Nam bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong quá trình phát triển du lịch. Bà Katherine Muller-Martin, Trưởng Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng, việc bảo vệ, giữ gìn di sản phải có sự tham gia của cộng đồng chứ không phải là đóng lại, đưa di sản vào nhà kho. Ngoài việc gìn giữ, bảo quản tốt di sản, những người làm công tác quản lý phải khai thác cho được, cho hết tất cả giá trị tinh thần và vật chất của di sản đó, đưa di sản đến với đông đảo du khách và thu được lợi nhuận nhằm "tái đầu tư". Điều quan trọng là phải làm sao giữ gìn cảnh quan môi trường cho di sản tồn tại.
Theo quan điểm của đại diện các đơn vị lữ hành trên địa bàn Hà Nội, du lịch di sản không nên chỉ là hoạt động dịch vụ du lịch thuần túy mà phải trở thành tiến trình giáo dục lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc. Khi người dân sở tại, du khách thực sự tự hào và cùng tham gia bảo vệ đình, chùa, đền, miếu…. Thậm chí, họ còn hỗ trợ công sức, sự hiểu biết vào quảng bá, giới thiệu đặc sản quê hương thì du lịch di sản mới thực sự phát triển hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.