Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch cuối năm: Nhanh chân thì thắng

Thu Trang| 19/11/2010 07:03

(HNM) - Dù giá vàng, giá "đô" tăng trong thời gian qua nhưng những tour du lịch dịp cuối năm vẫn tỏ ra sôi động và có sức hút lớn. Theo dự báo của các công ty lữ hành, mùa kinh doanh cuối năm nay sẽ khả quan hơn so với năm trước. Nếu nhanh chân và biết chớp thời cơ, du lịch Việt Nam sẽ có cơ hội hút khách nhiều hơn.

Rầm rộ đón khách

Nhằm phục vụ du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là khách Việt kiều về quê dịp Noel và đón năm mới, ngay từ tháng 11, các công ty du lịch đã đua nhau tung ra những chùm tour hấp dẫn. Các điểm đến lãng mạn và nổi tiếng được các hãng lữ hành tập trung khai thác là Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Huế, Mũi Né, Sa Pa, Côn Đảo, Vịnh Hạ Long, Hà Nội… với giá tour dao động từ 2 đến 6 triệu đồng/người.

Khách du lịch quốc tế tham quan Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam). Ảnh: Bảo Lâm

Không những không tăng giá, Trung tâm Lữ hành quốc tế Hà Nội Redtours còn tạo điều kiện để du khách được hưởng giá dịch vụ trọn gói cực kỳ ưu đãi với chất lượng nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên và bay với Vietnam Airline. Mặt khác, nhằm kích cầu du lịch, Hà Nội Redtours triển khai chùm tour ngoại khuyến mãi với giá giảm từ 40 đến 100 USD cho những chuyến tới Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Campuchia và Myanmar. "Trước sự loạn nhịp của giá vàng, giá đô, việc mạnh dạn đưa ra chương trình giảm giá là nỗ lực rất lớn của Hà Nội Redtours. Chúng tôi đã cố gắng thương lượng và ký hợp đồng với các đối tác nhằm bảo đảm cho du khách có được kỳ nghỉ vui vẻ và toại nguyện", ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hà Nội Redtours nhấn mạnh.

Nhờ giữ nguyên mức giá, Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist đã bán hết các tour trong nước đi bằng đường hàng không vào giữa tháng 11. Còn số khách mua tour nước ngoài hiện đã tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Bến Thành Tourist cũng có hơn 3.000 khách đi du lịch trong và ngoài nước, cao nhất từ trước tới nay.

Góp phần vào sự sôi động của mùa du lịch cuối năm phải kể đến thị trường khách du lịch quốc tế. Dự kiến, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2010 sẽ tăng 25% so với năm 2009. Theo các công ty lữ hành, căn cứ theo lịch đặt tour của khách quốc tế đến Việt Nam, có thể thấy đa số là khách đến từ thị trường châu Âu và tập trung vào một số loại hình du lịch như: du lịch tàu biển, du lịch nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hóa lịch sử. Điều đặc biệt là loại hình du lịch MICE (khách du lịch kết hợp tham gia sự kiện) năm nay khá đắt khách, chỉ riêng Công ty TST Tourist đã có khoảng 14.300 lượt khách MICE (tăng hơn 170% so với năm 2009).

Cần chiến lược dài hơi

Nhằm tạo điều kiện cho các công ty du lịch thu hút du khách vào dịp cuối năm, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã áp dụng quy định miễn lệ phí thị thực từ ngày 10-10 đến hết 31-12 đối với công dân các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam theo chương trình kích cầu du lịch "Việt Nam - Điểm đến của bạn" trong năm 2010. Tiếc rằng, do được ban hành muộn cộng với thời gian thực hiện khá ngắn nên chương trình khuyến mãi nói trên không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Khác với khách nội địa, khách nước ngoài khi đến Việt Nam đều lên kế hoạch trước cả năm và đăng ký đặt tour trước 3 tháng. Đến thời điểm này, hầu hết các hợp đồng đón khách quốc tế của các công ty du lịch đều đã hoàn thành thủ tục liên quan đến visa. Việc miễn lệ phí thị thực chỉ có tác dụng với một số ít khách lẻ, những người chưa kịp làm thủ tục xin cấp visa đến Việt Nam trong tháng 12. Trước đó, tại chương trình kích cầu "Ấn tượng Việt Nam" trong năm 2009, miễn lệ phí thị thực (kéo dài từ 15-5 đến hết năm) được đánh giá là một trong những nguyên nhân giúp ngành du lịch ngăn chặn được sự suy giảm khách quốc tế. "Điều đáng bàn là việc hướng dẫn thực hiện quyết định miễn lệ phí thị thực trong năm 2010 được triển khai chậm so với thời điểm có thể thu hút khách quốc tế, điều đó đã làm mất khá nhiều cơ hội cho du lịch Việt Nam. Nếu văn bản được ban hành sớm, kéo dài việc miễn lệ phí trong khoảng nửa năm hoặc một năm và được thông báo trước thời điểm triển khai khoảng từ 6 tháng trở lên thì sẽ giúp cho doanh nghiệp có thời gian quảng bá, giới thiệu với du khách. Được như vậy thì hiệu quả sẽ rõ ràng hơn", ông Nguyễn Công Hoan khẳng định.

Từ lâu, ngành du lịch đã bộc lộc nhược điểm trong việc xây dựng chiến lược dài hơi, kế hoạch phát triển bền vững. Nhưng xây dựng chiến lược, quy hoạch kịp thời là một chuyện, điều cần nói là chính sách, chiến lược kích cầu phải nhắm trúng thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Chẳng hạn, Tổng cục Du lịch có thể đề xuất với Chính phủ phương án tạm bỏ visa, miễn visa từng phần trong vòng từ 3 đến 6 tháng đối với khách đến từ thị trường Pháp, Anh, Đức... Hay với khách Trung Quốc, ta cần có biện pháp rõ ràng trong việc xem xét cấp visa để giảm giá trực tiếp cho khách.

Ngành du lịch sẽ không thể "tuột dốc", không thể bỏ lỡ thời cơ nếu có được những giải pháp, chiến lược dài hơi và xác định rõ trọng tâm, trọng điểm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Du lịch cuối năm: Nhanh chân thì thắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.