(HNM) - Với nhiều nước trong khu vực, du lịch chữa bệnh từ lâu đã được khai thác triệt để và mang về một nguồn thu lớn cho đất nước. Việt Nam, dù sở hữu nhiều lợi thế phương pháp chữa bệnh theo Đông y cũng như nhiều cây thuốc quý nhưng du lịch chữa bệnh hiện chỉ mới ở dạng sơ khai, chưa có khả năng thu hút khách du lịch.
Doanh thu lớn
Ở Châu Á, Singapore và Thái Lan là hai quốc gia đi đầu về du lịch chữa bệnh. Nếu Singapore cung cấp những dịch vụ y tế tốt nhất trong những lĩnh vực như: Cấy ghép bộ phận, tim, phẫu thuật ung thư thì Thái Lan mạnh về khám chữa bệnh tổng hợp. Mấy năm gần đây, Hàn Quốc lại nổi lên với thế mạnh về phẫu thuật thẩm mỹ, thần kinh, xương khớp và giá tour chỉ ngang với Singapore. Năm 2015, doanh thu từ du lịch chữa bệnh của Thái Lan cán mốc 3,3 tỷ USD. Singapore cũng không thua kém nhiều với tỷ lệ tăng trưởng khách đạt mức trung bình 13%/năm.
Ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Lữ hành Five Stars cho biết, có được điều này là do Thái Lan đã tập trung cho các chiến dịch quảng bá y tế mạnh mẽ lồng ghép trong các chương trình xúc tiến du lịch từ rất lâu. Điển hình như Bệnh viện Bumrungrad của Thái Lan mở tới 30 văn phòng đại diện tại 30 quốc gia trên thế giới trong đó có một văn phòng riêng ở ngay Sân bay Bangkok để tiếp thị và đón khách. Còn Singapore có chủ trương rõ ràng và đầu tư mạnh cho bệnh viện công nghệ cao với thế mạnh tế bào gốc từ hơn một thập kỷ nay.
Việt Nam được thế giới đánh giá cao về kỹ thuật châm cứu bởi khả năng chữa được nhiều bệnh mà giá cả lại hợp lý. Việt Nam cũng sở hữu những cây thuốc quý với những vườn dược liệu lớn, gần nhất là Hà Nội với vườn thuốc nam Ba Vì, xa hơn là Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười với 25ha trồng, lưu giữ nguồn gen các loại cây thuốc quý như: Hà thủ ô, lạc tiên, bụp giấm, kim tiền thảo, cau lửa, diệp hạ châu...
Trong cuộc gặp gỡ với các công ty lữ hành Việt Nam tại Hà Nội diễn ra vào cuối tuần trước, ông Dương Lạc Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đồng Nhân Đường cho rằng, giống như Trung Quốc, Việt Nam nên phát triển du lịch chữa bệnh Đông y vì ngày càng có nhiều du khách phương Tây tìm đến với phương thức chữa bệnh này. "Đông y có nhiều tư tưởng hay, ví dụ Đông y coi con người là tiểu vũ trụ, bên trong có đầy đủ âm dương, ngũ hành, nên nếu bệnh nhân bị đau một bộ phận thì có thể còn bị nhiều bệnh khác.
Điểm tiến bộ khác của Đông y là khả năng dự đoán bệnh. Một người mắc bệnh ung thư theo Tây y, khi thấy đau, sau kiểm tra bằng xét nghiệm, sinh thiết, có khi không thể chữa được nữa. Nhưng Đông y thì chỉ cần qua quan sát sắc mặt, lưỡi, bắt mạch, hỏi là có thể đã biết trước từ khá sớm", ông Dương Lạc Sinh chia sẻ. Ông cũng cho biết thêm, Đồng Nhân Đường đã liên kết với hàng ngàn công ty du lịch ở Trung Quốc và doanh thu từ du lịch chữa bệnh của đất nước này không hề nhỏ.
Khó trăm bề
Có một thực tế là hiện có một lượng lớn bệnh nhân Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh và chúng ta đang không có cách gì giữ họ lại chữa bệnh ở các bệnh viện trong nước. Bà Nguyễn Thu Quỳnh, đại diện Viet Media Travel cho rằng, đó là do tâm lý sính ngoại của người dân nói chung. "Người Việt Nam ra nước ngoài có thể xách về hàng chục chiếc nồi Cuckoo của Hàn Quốc hay hàng thùng sản phẩm sữa rửa mặt The Face shop.
Cho nên với tư tưởng ấy, họ sẽ đi sang các nước có dịch vụ tổng hợp và hỗ trợ cho khách nước ngoài khám chữa bệnh như: Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc hay điểm đến mới là Nhật Bản. Đặc biệt, Nhật Bản đang đẩy mạnh chương trình tour khám chữa bệnh kết hợp, do đó có nhiều chính sách hỗ trợ về visa nên việc giữ người dân ở lại trong nước chữa bệnh là điều rất khó", bà Nguyễn Thu Quỳnh nhấn mạnh. Tâm lý sính ngoại này càng thấy rõ hơn qua trường hợp Hàn Quốc và Singapore. Nếu Tổng cục Du lịch Hàn Quốc cùng với các công ty du lịch nước này và Đại sứ quán Hàn Quốc có cả một quy trình từ cấp visa đến đặt lịch khám để tạo điều kiện cho người Việt Nam sang Hàn Quốc chữa bệnh thì các công ty du lịch tại Singapore không hề hỗ trợ, thậm chí không xin lịch khám chữa bệnh cho khách Việt Nam tại các bệnh viện của Singapore, thế nhưng khách Việt Nam vẫn ùn ùn kéo sang đây chữa bệnh.
Gần đây, hệ thống Bệnh viện khách sạn Vinmec của Việt Nam đã liên kết với một số công ty du lịch lớn chuyên gom khách inbound như: Vietravel, Saigontourist, BenThanh Tourist nhưng thống kê cho thấy nhu cầu của khách nước ngoài vào Việt Nam để chữa bệnh hiện rất ít. Bên cạnh đó, theo đại diện một công ty inbound tại Hà Nội, hiện tại, nhiều bài thuốc Đông y hay, ví dụ tắm thuốc của người Dao Đỏ mới chỉ là một lựa chọn trong một gói tour cho khách nước ngoài chứ chưa phát triển thành một tour độc lập.
Ông Nguyễn Văn Ngọ, Trưởng phòng Kinh doanh Lữ hành Phương Nam Sun Travel cho rằng, trong tương lai, chúng ta nên phát triển du lịch chữa bệnh Đông y vì đây là thế mạnh của y học Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều này, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho ngành Du lịch và phải nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế đạt chuẩn ngay từ bây giờ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.