(HNM) - Trong khuôn khổ Lễ hội chào đón năm mới - Tết Dương lịch 2011, từ ngày 26-12-2010 đến ngày 2-1-2011, tại TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra Liên hoan Ẩm thực món ngon các nước.
Không phải đến bây giờ mà từ lâu, cùng với vẻ hấp dẫn của hàng ngàn điểm đến, ẩm thực trở thành một trong những yếu tố hấp dẫn du khách bởi mỗi vùng đất đều có đặc sản riêng mà nếu biết phát huy sẽ trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo. Đáng bàn là đến nay các hoạt động quảng bá, xúc tiến để khách du lịch biết đến ẩm thực của Việt Nam vẫn còn quá ít và chưa thực sự bài bản.
Khách du lịch thưởng thức các món ăn Việt Nam tại Nhà hàng Sen. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Ẩm thực Việt bao giờ lên “sàn” quốc tế?
Hiện nay, ẩm thực nước ta được nhiều thực khách quốc tế ưa thích. Ưa thích bởi món ăn của Việt Nam ít béo, nhiều rau, gia vị và được xếp vào loại “ẩm thực vì sức khỏe”. Ưa thích còn bởi cách ăn, món nào ăn với rau nào, nước chấm gì, mấy chục loại rau, củ đều có thể làm gỏi, cách trình bày món ăn... với du khách là cả một sự khám phá. Chẳng thế mà trong những ngày đông giá rét này, những cửa hàng chả cá Lã Vọng, phở, nem, bánh cuốn, bánh tôm Hồ Tây... trên những con phố của Hà Nội lúc nào cũng kín chỗ. Đến đây không chỉ có thực khách Hà Thành quen thuộc mà còn có cả những vị khách nước ngoài, khách Việt kiều về thăm quê.
Về Việt Nam đón Tết, ông Văn Dũng (Việt kiều Canada) thích nhất là mỗi buổi sáng được thưởng thức món phở, “quốc hồn, quốc túy”. Ông có thể ngồi hàng giờ không biết chán khi vừa thưởng thức hương vị thơm ngon của phở vừa ngắm không gian trầm mặc của phố cổ Hà Nội. “Phở bây giờ không chỉ có ở Việt Nam, mà còn có mặt khắp các châu lục trên thế giới. Ngay thành phố Vancouver nơi tôi đang sống cũng có một quán phở. Lúc nào đến đây, tôi cũng bắt gặp hình ảnh những người nước ngoài dùng đũa ăn phở rất thành thục. Thú vị lắm! Nhưng không ở nơi đâu hương vị phở lại thơm ngon như ở chính quê hương sinh ra nó”, ông Văn Dũng tâm sự.
Đến Việt Nam từ năm 2006 khi tình cờ xem trên trang web du lịch MSN của Mỹ bình chọn Hà Nội đứng thứ 3 trong top 10 thành phố có đồ ăn ngon và đáng thưởng thức nhất thế giới, ông Peter Lundbye (du khách Mỹ) đã “mê” ngay những món ăn không nơi đâu có được như: phở, bún riêu cua, bún ốc, bún thang, chả cá Lã Vọng, bánh tôm, bánh cốm, các món nem cuốn… Vào thời điểm khi Giáng sinh và năm mới 2011 đang đến gần, ông có dịp trở lại Việt Nam. Với ông Peter Lundbye, nghệ thuật ẩm thực của Việt Nam ngày càng được nhiều du khách nước ngoài quan tâm và đánh giá cao. “Nếu biết tận dụng tiềm năng quý giá này, thì đây thực sự là cầu nối quan trọng để đưa du khách đến và quay trở lại Việt Nam”, ông Peter Lundbye nhận xét.
Mỗi năm, Việt Nam tổ chức không ít lễ hội ẩm thực trải dài khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Tuy nhiên, để tổ chức được sự kiện ẩm thực xứng tầm khu vực và thế giới, qua đó quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam thì đến nay vẫn chưa làm được. Mặt khác, chưa có đơn vị hay tổ chức nào đứng ra chịu trách nhiệm liên kết quảng bá giới thiệu ẩm thực Việt Nam một cách bài bản. Chính vì vậy, du khách biết đến các món ăn chủ yếu qua lời kể của bạn bè, qua các website cá nhân, qua sự giới thiệu trực tiếp của hướng dẫn viên. “Tiềm năng lớn nhưng đến nay, văn hóa ẩm thực nước ta vẫn dừng ở mức “hữu xạ tự nhiên hương” ” - đánh giá của các công ty lữ hành được rút ra từ những kinh nghiệm trên thực tế.
Chinh phục khách quốc tế thế nào?
Thời gian qua, các hoạt động quảng bá, xúc tiến ẩm thực dân tộc ra nước ngoài còn quá ít và hạn chế nên dù rất ngon, rất độc đáo nhưng không phải du khách nào cũng biết đến các món ăn của Việt Nam. Theo bà Đỗ Hồng Xoan, nguyên Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch), do chỉ được lồng ghép vào các chương trình, chiến lược xúc tiến du lịch Việt Nam ra nước ngoài nên ẩm thực dân tộc chưa gây sự chú ý cũng như chưa tạo “dấu ấn” đối với bạn bè quốc tế.
Không chỉ hạn chế ở việc quảng bá, việc liên kết tạo dựng thương hiệu ẩm thực Việt cũng chưa được doanh nghiệp trong nước chú trọng. Những nhà hàng, những món ăn rất nổi tiếng mặc dù đã có từ rất lâu đời, có tiềm năng rất lớn và được nhiều du khách trong, ngoài nước biết tiếng, song trên thực tế, chủ các nhà hàng đó chỉ làm với mục đích kinh doanh cá nhân chứ chưa xâu chuỗi với nhau thành hệ thống nhà hàng nhỏ lẻ để tạo dựng thương hiệu ẩm thực Việt Nam. Thậm chí, một vài công ty du lịch cũng đã tổ chức một số tour du lịch ẩm thực phục vụ du khách nhưng hiệu quả thu được chưa cao, chưa tạo ra hệ thống tour du lịch ẩm thực chuyên biệt.
Trong những nội dung được đưa ra để đẩy mạnh sự phát triển bền vững của ngành du lịch thời gian tới, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật ẩm thực phong phú, đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Ngoài việc tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến trong và ngoài nước, cần sưu tầm, phục hồi các lễ hội, hội thi dân gian như: nấu cơm, nấu cỗ, thi giã giò... từ đó đưa ẩm thực dân tộc trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, lôi cuốn du khách quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.