(HNM) - Năm 2010, đầu 2011 là khoảng thời gian ghi dấu thành công của Nguyễn Phan Quế Mai với những câu thơ chinh phục được bạn đọc và BGK nhiều giải thưởng thơ uy tín. Nhưng, bất ngờ là cuối tháng 5 vừa qua, chị đã trình làng du ký "Từ tuyết đến mặt trời" (NXB Văn hóa văn nghệ) với lối viết vừa có chất thơ vừa như có lửa…
Buhtan, Bangladesh, Australia, Đức, Italia, Pháp, Mỹ, Nepal, Hà Lan, những vùng đất lấp lánh sự thú vị, ấm áp tình người và đau đáu trăn trở về cuộc sống, đó là những gì mà tác phẩm này mang đến cho bạn đọc. Nguyễn Phan Quế Mai nhìn mọi thứ bằng một tâm hồn nhạy cảm, giàu chất thơ, để từ đó chạm đến những mạch nhỏ li ti của đời sống. Đó là khoảnh khắc người phụ nữ Bangladesh với bộ đồ burqa che kín mặt đứng trước biển chỉ ngắm mà không thể "để gió mơn man lên da mặt"; là hình ảnh các vị thầy tu ở Buhtan múa điệu khoan thai trên sân chùa…
Nhưng trong hết thảy 19 câu chuyện mà tác giả kể cho chúng ta, có một thông điệp chung luôn ám ảnh người đọc - chính là hạnh phúc. "Theo khảo sát của ĐH Leicester (Anh), Buhtan là nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất châu Á và cao thứ 8 trên thế giới. Năm 1972, khi lên ngôi, nhà vua Buhtan đã đặt ra khái niệm GNH - Tổng hạnh phúc quốc gia, thay thế cho GNP - Tổng sản lượng quốc gia... Từ đây, Nguyễn Phan Quế Mai liên tục đặt câu hỏi và trả lời bằng cảm nhận riêng của mình về việc vì sao người Buhtan (quốc gia nằm cạnh Ấn Độ và Tây Tạng) lại hạnh phúc? Cũng từ câu hỏi ấy, nhưng lãng mạn hơn, tác giả trả lời bằng câu chuyện cô gái Việt Nam khó nhọc vì tập trượt tuyết ở vùng Canberra, Australia để cảm nhận rõ rệt về tình yêu và hạnh phúc của người bạn đời. "Chúng tôi đi, bên nhau, đi về phía mặt trời". Một cách khác, thật dữ dội, Quế Mai làm người đọc nhận rõ giá trị cuộc sống qua cái buổi chiều ám ảnh với phong tục hỏa thiêu của người Nepal… Những trang du ký của chị dẫn dắt người đọc bằng sự dí dỏm, hài hước. Chị gọi pho - mát là mắm tôm tây, tái hiện sống động cái khoảnh khắc lần đầu tiên ăn pho-mát dê "cứ như thể vừa cắn vào mông con dê cụ hôi hám"...
Có một điểm rất đặc biệt mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã phát hiện và khẳng định ở cây bút này: Nguyễn Phan Quế Mai đến với mỗi vùng đất không phải với tư cách của một khách du lịch mà như thể chị sẽ ở đó đến trọn đời. Với cách sống ấy, Quế Mai thu nhận vào trong trái tim nhạy cảm của chị rất nhiều tầng bậc cảm xúc của đời sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.