Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dù khó khăn đến đâu cũng thi đua dạy tốt

Thống Nhất| 20/11/2022 08:10

(HNM) - Cùng với cả nước, thầy và trò ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) với nhiều niềm vui và tự hào. Những thành quả gặt hái được thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một lần nữa cho thấy sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo Thủ đô, dù khó khăn đến đâu cũng thi đua dạy tốt. Nhân ngày lễ của các nhà giáo, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương.

Chăm lo cho lực lượng chủ lực

- Xin đồng chí cho biết quy mô của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô hiện nay?

- Năm học 2022-2023, quy mô ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tiếp tục phát triển với hơn 2.800 trường mầm non, phổ thông. Số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành là hơn 150.000 người. Trong đó, cấp mầm non có số lượng nhiều nhất với hơn 1.100 trường, tiếp đến là cấp tiểu học với hơn 700 trường, còn lại là cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có hệ thống các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trường có yếu tố nước ngoài, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tổ chức dạy học văn hóa... 

- Bên cạnh việc phát triển mạng lưới trường, lớp, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Việc này được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

- Hà Nội xác định nhiệm vụ then chốt là xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên đủ số lượng, bảo đảm chất lượng và đồng bộ về cơ cấu. Một trong những giải pháp quan trọng được toàn ngành tập trung triển khai là nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo hướng thiết thực, bám sát thực tiễn.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, trường học chú trọng bồi dưỡng phẩm chất và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Việc tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên tham quan, học tập kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy ở các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài được quan tâm. Nhiều trường đã mời chuyên gia nước ngoài về giảng dạy, chia sẻ các mô hình, phương pháp dạy học hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

- Vậy việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định của Luật Giáo dục mới (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020) được Hà Nội triển khai đến đâu?

- Qua rà soát, 100% giáo viên các cấp học của thành phố Hà Nội đều đã đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định trước đây, tức là giáo viên mầm non có trình độ từ trung cấp sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học và trung học cơ sở có trình độ từ cao đẳng sư phạm trở lên.

Ngày 19-1-2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giai đoạn 2021-2026. Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% giáo viên trung học cơ sở trong độ tuổi được cử đi đào tạo, hoàn thành chương trình đào tạo và được cấp bằng cử nhân. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã đã rà soát, xác định đối tượng giáo viên cử đi học và bảo đảm nguồn kinh phí cho các khóa đào tạo. Tổng số cán bộ, giáo viên thuộc đối tượng đi đào tạo nâng chuẩn là hơn 17.000 người. Để đạt mục tiêu đề ra, năm nay toàn thành phố có hơn 6.600 cán bộ, giáo viên đi học; năm 2023 là hơn 1.100 người; năm 2024 là gần 700 người.

Quyết tâm duy trì vị trí dẫn đầu

- Việc tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đã tác động như thế nào đến chất lượng giáo dục của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, thưa đồng chí?

- Với chủ trương coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, trong đó có việc quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, nhiều năm qua, Hà Nội luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về giáo dục. Trong 5 năm gần đây, học sinh của Hà Nội đã giành được 675 giải quốc gia và 82 huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Năm học 2021-2022, dù việc dạy học trực tuyến chiếm phần lớn thời gian, song tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của thành phố vẫn đạt 99,1% (năm 2021 đạt 98,9%). Hà Nội dẫn đầu cả nước trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với 125 giải; là một trong 4 địa phương đầu tiên trên cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. 

- Đồng chí có thể cho biết, từ nay tới hết năm học 2022-2023, toàn ngành tập trung thực hiện những nhiệm vụ gì để duy trì, phát huy kết quả đã đạt được?

- Với quyết tâm duy trì vững chắc vị trí là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, nhà trường tiếp tục thực hiện tốt 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra; bảo đảm an toàn trường học; tích cực phòng, chống dịch bệnh; triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia để hoàn thành mục tiêu có từ 80% đến 85% số trường đạt chuẩn vào năm 2025.

Việc chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay được xác định là nhu cầu cấp thiết để nâng chất lượng giáo dục, tạo môi trường giáo dục hiện đại, giúp người học có thể học tập thường xuyên, ở mọi nơi. Đầu năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã khánh thành Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục của toàn thành phố. Việc tạo lập cơ sở dữ liệu ngành cũng đang được triển khai cùng với việc xây dựng mô hình trường học điện tử...  

- Hiện nay ở nhiều địa phương có tình trạng thiếu giáo viên. Hà Nội có giải pháp gì để giải quyết khó khăn này, thưa đồng chí?

- Tại kỳ họp thứ chín, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh tổng biên chế hành chính sự nghiệp năm 2022 và phân bổ biên chế giáo viên năm học 2022-2023. Theo đó, các trường mầm non, phổ thông công lập được bổ sung 2.361 biên chế giáo viên. Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện, thị xã đang khẩn trương triển khai các công việc cần thiết để tổ chức tuyển dụng theo lộ trình.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ nhà giáo khó khăn của Nhà nước, thành phố, từ đầu năm học đến nay, các quận, huyện, thị xã và các trường học cũng hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất, giúp đội ngũ giáo viên yên tâm gắn bó với công việc. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù để bảo đảm đời sống cho đội ngũ giáo viên.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dù khó khăn đến đâu cũng thi đua dạy tốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.