(HNM) - Ngay trong những tháng đầu năm 2013, lượng khách quốc tế đến Việt Nam liên tiếp giảm. Sự sụt giảm này một lần nữa cho thấy căn bệnh trầm kha của ngành
Những lý do muôn thuở
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 chỉ đạt gần 559 nghìn lượt (giảm 9% so với tháng trước) và đây là tháng thứ ba liên tiếp lượng khách bị sụt giảm. Như vậy, trong 5 tháng qua, chúng ta chỉ thu hút khoảng 2,9 triệu lượt khách, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Xét ở khía cạnh mục đích đến Việt Nam, nếu như loại hình du lịch, nghỉ dưỡng tăng nhẹ 0,1% thì khách đến vì công việc lại giảm 1,6%, thăm thân nhân giảm 5,4%, mục đích khác giảm 5,2%.
Du khách chèo thuyền ngắm Vịnh Hạ Long. Ảnh:Viết Cường |
Lý giải nguyên nhân, Tổng cục Thống kê cho rằng, chủ yếu là do tình hình kinh tế thế giới vẫn mang một màu ảm đạm khiến người dân thắt chặt chi tiêu, còn các nhà đầu tư thận trọng hơn khi mở rộng khai thác thị trường bên ngoài. Tuy nhiên, nếu không phải là "đà điểu rúc đầu vào cát" thì dễ dàng nhận ra, lượng khách quốc tế giảm vẫn bởi những lý do muôn thuở mà ngành du lịch dù biết nhưng lại "bó tay". Trong 5 năm gần đây, từ 80% đến 85% du khách khi được hỏi đều cho rằng, điều kiện địa lý tự nhiên, lịch sử, văn hóa, tôn giáo, phong cảnh; biết bao bãi biển, dãy núi, hang động, gần 60 dân tộc... đã tạo cho Việt Nam tiềm năng du lịch dồi dào, thậm chí hơn hẳn các nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Malaysia... nhưng họ không muốn quay trở lại đất nước này chỉ bởi ngại phải đối mặt với ô nhiễm môi trường xã hội cũng như tự nhiên ở nhiều điểm đến.
Theo Giám đốc truyền thông Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Minh Mẫn, điều đầu tiên khiến du khách cảm thấy khó chịu khi đến Việt Nam, đó là tình trạng "chặt chém". Kinh nghiệm được không ít người nước ngoài truyền tai nhau, đó là phải học được văn hóa "mặc cả" để không bị mua hớ. Rác là thứ tiếp theo khiến du khách "ngại". " Tiếp xúc với nhiều du khách nước ngoài, họ phàn nàn rằng sao rác nhiều đến vậy.
Từ những con phố, khu chợ, bến tàu, xe… thậm chí cả quán ăn, đâu đâu cũng đầy rác. Với những du khách đã từng đến nhiều quốc gia trên thế giới thì những nước "láng giềng" của chúng ta như: Lào, Thái Lan, Campuchia, Indonesia… sạch hơn rất nhiều", ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết.
Câu chuyện của một hướng dẫn viên chuyên mảng inbound (đưa khách quốc tế đến Việt Nam) kể cũng nói lên điều đó. "Mới đây, khi đưa một đoàn khách Pháp lên Tam Đảo, thấy nhiều du khách thích thú, khen cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, rau xu xu ngon, tôi hỏi, họ có muốn quay trở lại đây trong thời gian tới không thì đều nhận được cái lắc đầu. Lý do đơn giản là rác thải vứt bừa bãi quá!".
Làm sạch môi trường có khó không?
Từ chỗ không có tên trên bản đồ du lịch thế giới, trong khoảng 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã nổi lên như một điểm đến hấp dẫn, ấn tượng và thân thiện với bạn bè quốc tế. Không phải ở đâu cũng có Vịnh Hạ Long, Phong Nha Kẻ Bàng, Cao Nguyên đá Đồng Văn, cố đô Hoa Lư… như ở Việt Nam nhưng tại sao khách quốc tế không thích quay lại? Những người làm du lịch đều hiểu căn nguyên nhưng lại không thể giải quyết? Để biến nơi đây trở thành địa chỉ không thể thiếu trong mỗi hành trình của du khách, ngành du lịch cần phải phá bỏ "sức ì" tồn tại lâu nay, trước hết là làm sạch môi trường tự nhiên cũng như môi trường kinh doanh du lịch.
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Phạm Trung Lương, khi một người không quay lại có nghĩa là du lịch nước ta còn mất thêm nhiều du khách khác. Nếu không bảo vệ môi trường thiên nhiên ở các điểm đến một cách triệt để, du lịch Việt Nam khó cạnh tranh ngay cả với các nước trong khu vực và trở thành một điểm đến uy tín trên thế giới. Bên cạnh đó, việc chưa có biện pháp giải quyết tận gốc tình trạng "chặt chém" khách đang làm giảm sức hấp dẫn của du lịch Việt trong mắt bạn bè quốc tế. "Nếu ngành du lịch và các địa phương không cùng quyết liệt giải quyết những vấn nạn trên thì e rằng, 5 năm sau, chúng ta vẫn phải bàn đến câu chuyện này", ông Phạm Trung Lương lo ngại.
Để "kéo" khách đến nhà chỉ còn cách làm cho họ hài lòng. Nhưng để có được sự hài lòng ấy thì dường như bản thân ngành du lịch không thể tự quyết định mà phải có sự vào cuộc của nhiều ngành. Sức hút với du khách sẽ được cải thiện chỉ khi du lịch thực sự được coi là ngành kinh tế mũi nhọn để cùng khai thác và hưởng lợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.