(HNM) - Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa ra mắt khán giả Thủ đô vở diễn “Nhân Huệ vương”. Với việc huy động lực lượng nghệ sĩ hùng hậu và tài năng, vở diễn đã đưa người xem vào chuyến du hành lịch sử...
“Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư” là kịch bản của tác giả Nguyễn Sỹ Chức, được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao giải B kịch bản sân khấu xuất sắc năm 2017-2018. Đặc biệt, vở diễn có sự trở lại của Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, với vai trò đạo diễn. Nghệ sĩ nhân dân gạo cội của nghệ thuật tuồng cho biết, nhân vật Trần Khánh Dư với cuộc đời thăng trầm và những chiến công quan trọng là đề tài hấp dẫn với nhiều nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật.
Ảnh: Báo Văn hóa |
Trần Khánh Dư là con trai của Thượng tướng Trần Phó Duyệt. Vốn có tài văn võ nên ông được Thượng hoàng Trần Thánh Tông yêu mến và nhận là Thiên tử nghĩa nam. Tuy nhiên, con người ông rất cá tính, có khí chất nên gặp nhiều sóng gió, không được lòng quan lại cùng thời. Ông dám yêu Trần Quỳnh Trân - Thái trưởng công chúa của Thượng hoàng với sắc phong là Thiên Thụy công chúa, không những bị vua Trần Nhân Tông phạt đánh 100 trượng mà còn bị đuổi về Vân Đồn làm nghề bán than mưu sinh.
Nhưng khi giặc Nguyên - Mông chuẩn bị kéo sang xâm lược nước ta lần thứ hai, biết tin vua tôi nhà Trần họp ở bến Bình Than, ông đã xuất hiện trước vua và đề nghị không dâng Thiên Thụy công chúa cho Thoát Hoan và cương quyết chống giặc giữ gìn cương thổ Đại Việt. Ông được phong làm Phó đô tướng thủy quân và bằng tài thao lược đã giúp nhà Trần tiêu diệt quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ hai và ba. Đặc biệt, trong trận Vân Đồn, ông đã chỉ huy quân binh và dân binh Cô Tô, vây đánh bằng đường thủy, cắt toàn bộ lương thảo của quân xâm lược, góp phần đẩy nhanh thắng lợi. Giặc tan, ông xin cáo quan về sống cùng dân chúng ở Vân Đồn.
Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ cho biết, đề tài lịch sử với câu chuyện về các chiến tướng rất phù hợp với nghệ thuật tuồng. Hơn nữa, nhân vật cá tính, quyết liệt như Trần Khánh Dư cùng với những tình huống bị đòn, đeo gông cổ chỉ huy chiến đấu… càng có nhiều “đất” cho những trò diễn tuồng đặc trưng, như động tác múa bê, xiên, lỉa, lăn và các điệu hát xuân, ai… Tác giả và đạo diễn đã khéo léo đan cài những sự kiện nặng về chính trị bên những tình tiết về cuộc sống đời thường như tình cảm cha con, tướng - quân, đôi lứa… để đem lại cái nhìn bao quát cho khán giả về nhân vật lịch sử Trần Khánh Dư. Điều quan trọng nữa, theo Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, thông qua câu chuyện về Trần Khánh Dư, hy vọng khán giả ngày nay có thể rút ra bài học về việc lựa chọn, tận dụng người tài, cũng như khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi người.
Xác định đây là vở diễn “đinh” của năm 2019, kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Tuồng Việt Nam, nên “Nhân Huệ vương” được đầu tư quy mô. Các diễn viên tài năng hàng đầu của nhà hát đều góp mặt trong vở diễn này, như Nghệ sĩ nhân dân Ánh Dương (vai Trần Khánh Dư), Nghệ sĩ nhân dân Văn Quý (vai Thượng hoàng), Nghệ sĩ ưu tú Văn Thủy (vai Trần Quốc Tuấn), Nghệ sĩ ưu tú Xuân Tùng (vai Thoát Hoan), Nghệ sĩ ưu tú Trần Đại Mý (vai Ô Mã Nhi)… Sân khấu do Nghệ sĩ ưu tú Doãn Bằng thiết kế khá linh hoạt, với hoa văn sóng biển chủ đạo, càng làm nổi bật thành tích thủy chiến bất hủ của Trần Khánh Dư.
Tuy Nghệ sĩ nhân dân Ánh Dương đảm nhiệm vai Trần Khánh Dư rất vững, nhưng một diễn viên đã cao tuổi hóa thân vào nhân vật ở tuổi ngoài 20 thì cũng khó toát lên được sự xông xáo của người trẻ. Lựa chọn của ê kíp là vì sự an toàn cho vở diễn, nhưng thực tế này cũng khiến không ít người trong nghề âu lo. Bởi nghệ thuật tuồng nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung đang thiếu người gánh vác tương lai...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.