Cho trẻ ăn luôn là một thách thức rất lớn của mỗi bà mẹ, đặc biệt là với những trẻ biếng ăn thì công việc cho bé ăn quả là một gánh nặng.
Như một cách thể hiện cái tôi, tính độc lập của mình, mỗi khi mẹ chìa thìa cơm ra các bé lại nhõng nhẹo nói “Con không ăn đâu”. Thêm vào đó, trẻ nhỏ trong những năm đầu đời có khẩu vị kém nên không mấy hứng thú với chuyện ăn uống.
Những lúc này, bữa cơm gia đình trông giống như một cuộc chiến giữa bố mẹ và con khiến cho mỗi bữa ăn trong nhà không bao giờ được “bình yên”. Để xóa bỏ tình cảnh này, các mẹ hãy thử những “mẹo” dưới đây xem sao, biết đâu lại có thể dụ các bé ăn ngon lành:
1. Để bữa ăn trong nhà là cơ hội để các thành viên trong gia đình gần gũi với nhau hơn. Cho bé ngồi ăn cũng mọi người và tạo một không khí vui vẻ cho bữa ăn. Cả nhà hãy thử nói về một chủ đề hay hay nào đó xem sao, bé cũng sẽ cảm thấy rất thích thú cho mà xem.
2. Chỉ cho bé ăn từng ít một. Có thể chỉ xúc cho bé 2-3 thìa cơm. Như thế bé sẽ ăn hết rất nhanh và có cảm giác “tự hào” vì mình ăn xong một bát cơm nhanh nhất. Nếu bé còn đói thì bé sẽ bảo mẹ cho bé thêm một bát nữa.
3. Không nên ép bé ăn một loại thức ăn mẹ tự chọn. Thay vì thế, hãy để cho bé tự chọn món ăn mà bé muốn. Điều này cũng sẽ khuyến khích tính độc lập ở bé.
4. Không xem thức ăn là một phần thưởng để thưởng bé. Bạn không nên “đánh đồng” thức ăn với sự chấp thuận hay tình cảm của cha mẹ. Điều này chỉ làm cho bé bị rối loạn ăn uống trong giai đoạn về sau mà thôi.
5. Khuyến khích tính độc lập ở bé bằng cách cho phép bé tự xúc ăn. Đây là một cách rất hay để khuyến khích tính độc lập ở bé. Khi bố mẹ xúc cho bé ăn mà bé cự tuyệt lại thì bạn hãy để cho bé tự xúc.
6. Cho bé ăn những món ăn thật đơn giản nhưng vẫn đủ chất dinh dưỡng, ví dụ như một miếng thịt gà, một vài lát chuối chẳng hạn. Mẹ cũng nên chế biến những món ăn thật màu mè nhé vì các bé rất thích những màu sắc sặc sỡ mà.
7. Trong bữa ăn không để bé bị phân tâm bởi những hoạt động khác. Hãy tắt tivi và không để đồ chơi trước mắt trẻ. Bằng cách này sẽ khiến bé tập trung vào viêc ăn hơn là chơi.
8. Thời gian cho bé ăn phải thật sự thoải mái, không vội vàng. Hãy để bé cảm thấy thật thoải mái khi ăn. Có nhiều bà mẹ vì gấp rút công việc, cho bé ăn trong một khoảng thời gian hạn hẹp khiến cho các bé cảm thấy rất căng thẳng từ đó không muốn ăn cơm nữa.
9. Không cho bé ăn bất kì đồ ăn vặt nào trước bữa ăn chính của bé,
10. Để ý tới các dấu hiệu xem bé đã nó hay chưa và thôi không cho bé ăn thêm nữa.
Cho trẻ ở bất kì lứa tuổi nào ăn luôn là một thách thức rất lớn của các ông bố bà mẹ. Công việc này tuy có phần khó khăn nhưng bố mẹ vẫn nên khuyến khích bé có một thói quen ăn uống lành mạnh để bé có một nên tảng sức khỏe tốt trong quãng thời gian sau này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.