(HNM) - Đến nay, các bộ, ngành đã trình ban hành hàng chục văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm hàng nghìn điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành.
Theo số liệu Văn phòng Chính phủ công bố ngày 14-5, tính đến hết tháng 4-2019, các bộ, ngành đã trình ban hành 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 110,6% yêu cầu); đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (đạt 136,5% yêu cầu); giúp tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương trên 6.300 tỷ đồng.
Trong số các ngành thực hiện tốt, việc đưa 126 thủ tục hải quan tham gia hệ thống “một cửa quốc gia” đã có kết quả toàn diện, đột phá nhất từ trước tới nay trong thực hiện cải cách lĩnh vực hải quan. Đây là tác động rất lớn cho hoạt động xuất, nhập khẩu gắn với phòng, chống gian lận thương mại, chưa kể đến những cái lợi không thể đong đếm được là giúp doanh nghiệp hứng khởi hơn trong kinh doanh.
Là cơ quan tiên phong trong triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, Bộ Xây dựng cũng có những bứt phá trong thời gian qua. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, từ cải cách thủ tục hành chính, áp dụng mô hình bộ phận “một cửa” tập trung, bộ đã hoàn thành tiến độ giải quyết 100% hồ sơ hành chính. Theo hướng này, thay vì phải đi đến các cục, vụ như trước đây, bây giờ người dân chỉ cần đến bộ phận “một cửa” nộp hồ sơ rất thuận tiện. Cải cách này góp phần giảm bớt phiền hà, nhũng nhiễu, phần nào đáp ứng mong đợi của người dân.
Song, qua rà soát, bên cạnh các điểm sáng, nhìn tổng thể dư địa để cải cách, cắt giảm điều kiện đăng ký kinh doanh vẫn còn nhiều. Đáng lưu ý, vẫn còn những bộ chưa gửi báo cáo kết quả rà soát, tổng hợp, công bố công khai số lượng điều kiện kinh doanh sau khi đã cắt giảm, đơn giản hóa theo từng ngành, lĩnh vực quản lý đúng hạn, gồm: Công an; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Công Thương; Khoa học và Công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quốc phòng; Tài chính; Tư pháp.
Báo cáo giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng chỉ ra danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành vẫn còn tới 70.087 mặt hàng. Không những không giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, có bộ, ngành còn tăng số lượng mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý như: Cơ yếu, trang thiết bị y tế…
Trước thực tế trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, những tháng cuối năm 2019, việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ phải thực chất hơn. “Yếu tố thực chất thể hiện ở chỗ sẽ tiếp tục rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã phê duyệt trong năm 2018; kiên quyết không để phát sinh thêm các điều kiện kinh doanh so với số lượng đã công bố, công khai. Những thủ tục, dịch vụ công nào người dân, doanh nghiệp đang bức xúc nhất thì phải xem xét làm trước, đơn cử như các thủ tục liên quan tới cấp đăng ký khai sinh, lập doanh nghiệp, cấp đăng ký kinh doanh” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hiện Việt Nam là một trong 3 quốc gia trong khu vực triển khai mạnh mẽ cơ chế “một cửa quốc gia”, “một cửa” ASEAN. Chủ trương của Chính phủ rất rõ là quản lý nhà nước vẫn phải bảo đảm, nhưng không lấy lý do này tạo ra rào cản phát triển, tăng chi phí của doanh nghiệp, người dân. Điều cần thiết hiện nay là sớm công bố các bộ thủ tục và tiến tới số hóa, công khai. Trong vấn đề này, chỉ khi xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu thì việc cải cách mới thực sự hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.