Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài vì sao chậm tiến độ?

Lương Ninh Giang| 20/08/2010 07:39

(HNM) - Chỉ còn hơn 50 ngày nữa là đến Đại lễ, nhưng phân đoạn cuối cùng của đường Lê Văn Lương kéo dài, một trong những dự án giao thông trọng điểm của thành phố chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vẫn còn bộn bề do khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) quá chậm.



Tại văn bản số 177/TB-UBND, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã chỉ đạo, công tác GPMB phải hoàn thành trong tháng 8-2010, nhưng nhiều khả năng phải đến ngày 15-9, phần mặt bằng còn lại mới được bàn giao cho chủ đầu tư.

Thảm bê tông nhựa nóng trên đường Lê Văn Lương kéo dài. Ảnh: Bá Hoạt

Đường Lê Văn Lương kéo dài là dự án được Thường trực Thành ủy chỉ đạo ưu tiên triển khai, bảo đảm hoàn thành trước 10-10, kịp chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Theo ông Nguyễn Quang Phúc, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng đô thị, với mong muốn có được những đóng góp thiết thực cho Đại lễ, liên danh nhà đầu tư đã chuẩn bị đủ máy móc, nhân lực cũng như nguồn vốn để sẵn sàng thi công theo đúng tiến độ thành phố đã yêu cầu. Tuy nhiên, vướng mắc chủ yếu vẫn nằm ở khâu GPMB. Nhà đầu tư khẳng định sẽ hoàn thành toàn bộ dự án nếu được bàn giao mặt bằng "sạch" trong tháng 8-2010.

Dự án xây dựng đường Lê Văn Lương có chiều dài 2,7km đã cơ bản hoàn thành khoảng 80%. Song, đoạn 280m cuối cùng của tuyến liên quan chủ yếu đến quận Thanh Xuân vẫn còn khá bề bộn. Thêm vào đó là một phần nằm trên địa bàn huyện Từ Liêm đang thi công xôi đỗ. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo huyện Từ Liêm cho biết, phần diện tích phải thu hồi GPMB nằm trên địa bàn là 96.234m2, liên quan đến 284 hộ dân thuộc các xã Trung Văn, Mễ Trì và Đại Mỗ. Đến nay, công tác GPMB cơ bản hoàn thành hơn 90% diện tích đã bàn giao cho chủ đầu tư. Thời gian qua, các hộ dân trên địa bàn huyện có thắc mắc về giá đền bù và cơ chế bồi thường đất dịch vụ. Huyện và các xã liên quan đã có nhiều buổi đối thoại với dân để tuyên truyền, vận động, đồng thời báo cáo UBND TP Hà Nội có phương án tháo gỡ. Ngày 6-8, huyện đã cưỡng chế GPMB với 8 hộ cuối cùng của dự án này. Từ nay đến cuối tháng 8-2010, huyện sẽ tổ chức bàn giao nốt mặt bằng cho chủ đầu tư phục vụ thi công. Về những thắc mắc của người dân địa phương liên quan đến đền bù đất dịch vụ, theo bà Nguyễn Thị Liên, Phó trưởng ban Bồi thường GPMB huyện Từ Liêm, từ tháng 8-2009, với những trường hợp đủ điều kiện, huyện đã có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cụ thể với mỗi hộ được 60m2. Cùng với niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa các thôn, các phương án này đã được phát trực tiếp tới từng hộ dân.

Với quận Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu khẳng định, tuy là đoạn cuối cùng của tuyến, nhưng lại là đoạn phức tạp nhất, vì có số lượng nhà ở và mật độ dân cư đông (diện tích đất phải thu hồi là 10.357m2, liên quan đến 197 hộ dân), nhiều hộ sử dụng đất sai mục đích, tự ý mua bán trái phép... Sau khi UBND TP Hà Nội có một số cơ chế, chính sách tháo gỡ, nhất là việc cho phép nhà đầu tư được mua căn hộ tại khu đô thị Nam Trung Yên để bố trí tái định cư cho các hộ dân đủ điều kiện, việc GPMB dự án Lê Văn Lương kéo dài đã có những chuyển biến đáng kể. Theo thống kê, đến nay hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã thẩm định trình UBND quận phê duyệt 123 phương án (phường Nhân Chính 114 hộ, Thanh Xuân Bắc 9 hộ). Qua đó, đã có 11 hộ nhận tiền, 7 hộ nhận nhà tái định cư; 30 hộ khác đã ký biên bản bàn giao mặt bằng. UBND quận sẽ sớm hoàn thành toàn bộ phương án GPMB ngay trong tháng 8; chỉ đạo chủ đầu tư thường xuyên trực tổ chức trả tiền, nếu các hộ không đến nhận sẽ chuyển vào kho bạc Nhà nước; tổ chức bốc thăm nhà tái định cư trong tháng 8. Với các trường hợp đã quá thời điểm bàn giao mặt bằng, đã được vận động tuyên truyền mà cố tình không chấp hành, quận sẽ cưỡng chế vào cuối tháng 8, đầu tháng 9. Quận đặt mục tiêu hoàn thành bàn giao mặt bằng toàn bộ diện tích nằm trên địa bàn để phục vụ thi công trước ngày 15-9.

Có thể nói, thời gian qua, thành phố đã có những cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ theo hướng có lợi cho dân nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc GPMB, qua đó đẩy nhanh tiến độ dự án; nhà đầu tư và các cấp chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng nhằm tuyên truyền, vận động và sớm tổ chức chi trả tiền bồi thường, bố trí quỹ nhà tái định cư. Tuy nhiên, sự bất hợp tác, chây ỳ chống đối của một số hộ dân đã khiến cho dự án giao thông trọng điểm này đứng trước nguy cơ lỗi hẹn với Đại lễ. Thời gian tới, chính quyền địa phương cần đẩy nhanh hơn nữa việc GPMB, thu hồi đất để bàn giao mặt bằng sớm hơn mốc 15-9. Các nhà thầu sẽ "nước rút" thi công 3 ca liên tục. Có như vậy, dự án mới có thể hoàn thành, kịp đưa vào khai thác phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài vì sao chậm tiến độ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.