Nông nghiệp

Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích:Cần sớm tháo gỡ vướng mắc

Tuấn Việt 22/03/2024 - 06:42

Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích do Hà Nội tiếp nhận từ Bộ NN&PTNT, đã được tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt tại Quyết định số 4927/QĐ-UBND ngày 6-10-2010.

Sau nhiều năm triển khai, dự án chậm tiến độ, HĐND thành phố đã giám sát, chất vấn, tái chất vấn, song đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

song-tich.jpg
UBND huyện Ba Vì thực hiện giải phóng mặt bằng, bàn giao diện tích phục vụ thi công Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích. Ảnh: Mạnh Khánh

Hoàn thành giải phóng mặt bằng

Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích (từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì) với mục tiêu cấp nước tưới cho 16.000ha đất sản xuất nông nghiệp; bảo đảm tiêu thoát nước, phòng, chống lũ cho lưu vực; tạo điều kiện thuận lợi khai thác tiềm năng quỹ đất dọc hai bờ sông Tích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...

Tuyến công trình đoạn 1 dự án chạy dài 27,6km, đi qua nhiều vùng địa chất khác nhau nên khi thi công phát sinh so với kết quả khảo sát, dẫn đến phải điều chỉnh phương án thiết kế, biện pháp thi công. Cùng với đó, diện tích giải phóng mặt bằng lớn (chủ yếu trên địa bàn 9 xã của huyện Ba Vì (302,7ha), nhiều diện tích nằm ở phần bãi, thềm sông Tích, công tác xác minh, kiểm đếm mất nhiều thời gian dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng chậm, không liền tuyến gây khó khăn cho tổ chức thi công theo phương án được duyệt. Ngoài ra, quá trình thực hiện công tác hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng xảy ra sai phạm của một số hộ gia đình, cá nhân ở địa phương dẫn đến phải xử lý hình sự gây kéo dài công tác này.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, được sự quan tâm chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy trong hoạt động kiểm tra, sự quan tâm của HĐND thành phố (qua công tác giám sát, chất vấn) và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, Sở NN&PTNT, UBND huyện Ba Vì và các cơ quan liên quan đã tập trung giải quyết các vướng mắc về mặt bằng, đẩy nhanh công tác tổ chức triển khai thi công. Kết quả từ đầu năm 2022 đến nay, đã hoàn thành bàn giao toàn bộ diện tích mặt bằng thi công của đoạn 1 dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công, khối lượng ước đạt 535 tỷ đồng, thực hiện cơ bản xong các kiến nghị của Thanh tra Bộ Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước; đồng thời đã vận hành cụm công trình đầu mối và thông tuyến lòng dẫn để đưa nước sông Đà vào sông Tích, tổ chức thực hiện lập điều chỉnh dự án...

Cụ thể, đã bàn giao thêm được toàn bộ diện tích mặt bằng còn lại gồm 84,83ha (huyện Ba Vì 70,4ha, thị xã Sơn Tây 13,25ha, huyện Thạch Thất 1,18ha). Hiện công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành 100% khối lượng. Các đơn vị đã thi công xong công trình đầu mối, đang thực hiện thủ tục nghiệm thu, bàn giao cho đơn vị quản lý, sử dụng, khai thác công trình; phần lòng dẫn, tiếp tục thi công đoạn tuyến từ K11+200 đến K27+600.

Phấn đấu hoàn thành trong năm 2024

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT và cũng qua giám sát của HĐND thành phố, công trình vẫn còn nhiều khó khăn cần có tháo gỡ. Do tuyến công trình chạy dài gần 30km, qua nhiều vùng địa chất khác nhau, diện tích giải phóng mặt bằng lớn, dự án có khối lượng đào và vận chuyển đất ra bãi trữ, bãi thải lớn nhưng thực tế tổ chức thi công lại không thực hiện được theo phương án đã duyệt mà phải tìm các bãi trữ, bãi thải khác có quy mô phân tán nhỏ lẻ và cự ly, giải pháp vận chuyển khó khăn hơn, đây là một trong các nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Đáng lưu ý, dự án có khối lượng đất đắp lớn, hiện nay còn thiếu trên 1 triệu mét khối đất đắp, trong khi đó trên địa bàn thành phố không có mỏ đất đắp. Để giải quyết vấn đề này, Sở NN&PTNT đã báo cáo và UBND thành phố có Văn bản số 1357/UBND-KTN ngày 10-5-2023 về việc mua, vận chuyển đất tại các mỏ đã được UBND các tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... cấp phép khai thác làm vật liệu xây dựng.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dòng chảy và hạ thấp lòng dẫn (do xói mòn tự nhiên và khai thác cát trái phép) nên mực nước trên sông Đà, sông Hồng có xu hướng suy giảm lưu lượng, giảm mực nước, đặc biệt mức độ suy giảm mạnh từ cuối năm 2022 đến nay. Tại cống Thuần Mỹ, theo thiết kế mực nước kiệt 85% là +8,43m; trong năm 2022 và 2023, mực nước tháng 2, tháng 3 chỉ dao động +6,0m đến +7,0m.

Để sớm hoàn thành dự án, UBND thành phố chỉ đạo nạo vét, mở rộng lòng dẫn để hoàn thành theo mặt cắt thiết kế toàn bộ tuyến lòng dẫn đoạn 1 (từ K0 đến K27+600); hoàn thành các công trình phụ trợ còn lại trên tuyến (2 cống tiêu, 4 trạm bơm tưới và Trạm bơm Cẩm Yên). Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của tỉnh Hòa Bình, tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương lân cận giải quyết nguồn đất đắp; thi công hoàn thiện đường giao thông hai bên bờ kênh nhằm hoàn thành toàn bộ đoạn 1 giai đoạn I dự án; thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định; phấn đấu hoàn thành trong năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích: Cần sớm tháo gỡ vướng mắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.