(HNMO)- Khi có chủ trương xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung, người dân 2 xã Tri Thủy và Quang Lãng (Phú Xuyên, Hà Nội) mừng như “bắt được vàng” vì môi trường sẽ bớt ô nhiễm. Thế nhưng, 5- 6 năm đã trôi qua, dự án không thấy triển khai, trong khi môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.
Lo ngại phát sinh bệnh tật
Hơn 40 năm nay người dân thôn Sảo Hạ, xã Quang Lãng và thôn Bái Đô, xã Tri Thủy đã gắn bó với nghề giết mổ trâu, bò. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân Hà Nội ngày càng lớn thì nghề giết mổ trâu, bò ở đây càng có điều kiện phát triển mạnh hơn. Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, cách thức buôn bán cũng khá tiện lợi, chỉ cần liên lạc qua điện thoại, internet là trâu, bò đã được các chủ từ Nghệ An và các tỉnh miền Trung chuyển đến tận nơi, đáp ứng đầy đủ yêu cầu mà chủ hộ giết mổ ở đây mong muốn. Trâu, bò sau khi nhận về thường được các hộ giết mổ ở Quang Lãng, Tri Thủy nhốt ngay trong sân, vườn của gia đình. Chỉ trừ ở nhà không đủ diện tích họ mới phải nhốt tại địa điểm khác.
Những đống chất thải từ giết mổ trâu, bò là hình ảnh dễ bắt gặp ở ven đường làng, ngõ xóm ở thôn Bái Đô và Sảo Hạ |
Hoạt động giết mổ thường diễn ra ngay tại gia đình từ 22 giờ đêm hôm trước tới 4 giờ sáng hôm sau. Chỉ tính riêng tại thôn Bái Đô đã có tới hơn 30 hộ làm nghề giết mổ trâu, bò, chưa kể những “vệ tinh” làm các nghề ăn theo như: buôn bán nội tạng, sừng, xương, da… Ngày bình thường, cả xã có khoảng 200 con trâu, bò bị giết thịt. Vào những ngày giáp tết con số này còn tăng lên gấp đôi, khoảng từ 300- 400 con/ngày. Vậy là trung bình 1 hộ giết mổ khoảng 15 con/ngày. Bình quân, một gia đình làm nghề giết mổ trâu, bò hàng ngày phải huy động từ 10- 12 lao động mới có thể kham nổi khối lượng công việc lớn như vậy.
Có thể nói, nghề giết mổ trâu, bò đã giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động của 2 xã Tri Thủy và Quang Lãng với mức thu nhập khá cao so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, tỷ lệ thuận với sự phát triển của nghề này là mức độ ô nhiễm môi trường tại địa phương ngày càng nghiêm trọng, tác động xấu đến môi trường sống và sức khỏe của người dân địa phương.
Hằng ngày, một lượng lớn nước thải từ giết mổ gia súc ở Quang Lãng và Tri Thủy chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường |
Theo chân anh Trần Bình Long, cán bộ môi trường xã Quang Lãng, chúng tôi có dịp tận mắt chứng kiến mức độ ô nhiễm môi trường ở thôn Sảo Hạ. Tuy trước đó có mưa to liên tiếp nhiều ngày, lượng chất thải tại ao tù, cống rãnh đã trôi bớt nhưng không khí vẫn còn rất nặng mùi hôi thối. Nước tại cống, rãnh đen ngòm. Chất thải từ giết mổ trâu, bò bám thành từng tảng lớn, sủi bọt là điều kiện thuận lợi để ruồi muỗi phát sinh sôi, nảy nở.
Quan sát một vài nhà dân gần đó, có một điểm chung là trâu bò còn sót lại chưa bị giết buộc ngay trước lối ra vào, chất thải được đổ thành đống lớn, cao hàng mét ngay bên cạnh nhà ở, ruồi muỗi bu đầy. Trong khi lũ trẻ vẫn vô tư chơi đùa bên cạnh. Phải chăng từ bé đã phải sống trong môi trường ô nhiễm nên chúng đã tự thích nghi và quen dần với sự ô nhiễm này?
Môi trường ở đây ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, ẩn họa nhiều dịch bệnh có thể bùng phát |
Cũng rơi vào tình trạng như thôn Sảo Hạ, ông Nguyễn Văn Ký, cán bộ môi trường xã Tri Thuỷ cho biết: “Người dân ở thôn Bái Đô chủ yếu sử dụng nguồn nước giếng khoan làm nguồn nước sinh hoạt hằng ngày. Nhưng bây giờ nước giếng khoan cũng đã bắt đầu có mùi hôi thối vì lượng nước thải từ giết mổ nhiều, lâu ngày ngấm xuống không dùng được. Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng ngày càng có nhiều người dân địa phương mắc phải các căn bệnh ung thư, còn các bệnh về đường hô hấp, đường ruột cũng đang có chiều hướng gia tăng”.
Theo ông Nguyễn Đình Chiêu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, hiện nay, việc giết mổ gia súc ở Quang Lãng và Tri Thủy phân tán nên rất khó kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh thú y. Với số lượng lớn gia súc giết mổ hằng ngày, bên cạnh lượng lớn nước thải từ giết mổ không được xử lý đã xả thẳng ra môi trường xung quanh, còn có lượng xương, da, sừng sau khi giết mổ người dân vứt rải rác ra các lòng mương, lòng máng của địa phương đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và là mối hiểm họa khôn lường phát sinh các dịch bệnh ở địa phương.
Mong sớm có khu giết mổ tập trung
Ông Nguyễn Đình Chiêu cho biết, việc xử lý ô nhiễm môi trường ở Quang Lãng và Tri Thủy thời gian qua chỉ mang tính chất tình thế. Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng tại địa phương, từ năm 2006, huyện đã đề xuất với UBND tỉnh Hà Tây cho xây dựng khu làng nghề giết mổ gia súc tập trung. Đề xuất này đã được UBND tỉnh Hà Tây chấp thuận và giao cho UBND huyện làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau khi hợp nhất Hà Nội và Hà Tây, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO) làm chủ đầu tư dự án. Song, cho đến nay tất cả vẫn “nằm” trên giấy.
Hiện việc xử lý ô nhiễm môi trường ở Quãng Lãng và Tri Thủy mới chỉ mang tính tạm thời, bởi vậy rất cần một khu giết mổ tập trung |
Chủ tịch UBND xã Tri Thuỷ Nguyễn Văn Bem bày tỏ bức xúc: “Các hộ giết mổ trên địa bàn xã cũng đã nhất trí ủng hộ dự án xây dựng khu giết mổ tập trung. Họ còn tự nguyện hiến đất để phục vụ cho dự án. Thế nhưng, đã nhiều năm trôi qua dự án vẫn chưa được thực hiện. Chúng tôi rất mong thành phố chỉ đạo quyết liệt để dự án nhanh chóng được hoàn thành, đưa các hộ giết mổ ra khu tập trung nhằm đảm bảo trật tự và vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân địa phương”.
Còn theo ông Chiêu, mong muốn của chính quyền và nhân dân địa phương là HADICO khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Huyện Phú Xuyên sẵn sàng và chủ động phối hợp với Công ty tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để dự án sớm đi vào hoạt động.
Tìm hiểu được biết, dự án xây dựng cơ sở giết mổ và chế biến gia súc tập trung tại Quang Lãng và Tri Thủy (Phú Xuyên) đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 9-2010, với diện tích hơn 3,6 ha; công suất giết mổ 300 con trâu, bò/ngày-đêm. Dự án do HADICO làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 78,6 tỷ đồng (chưa kể kinh phí giải phóng mặt bằng), trong đó vốn tự có của Công ty và huy động khác 41,4 tỷ đồng; vốn vay từ Quỹ đầu tư phát triển gần 37,2 tỷ đồng. Đến nay dự án đang trình UBND thành phố phê duyệt.
Trao đổi với nhiều hộ giết mổ trâu, bò ở Tri Thủy và Quang Lãng, họ đều có chung tâm sự: Nghề này là “cần câu cơm” của họ. Nếu bỏ nghề thì không biết làm gì để sống, mà cứ giết mổ tại nhà mãi như thế này cũng khá bất tiện vì mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khoẻ. Không biết đến bao giờ khu giết mổ tập trung mới đi vào hoạt động?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.