(HNM) - Đường Vành đai 2 được xem là một trong những tuyến đường quan trọng bậc nhất của TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Theo quy hoạch phát triển ngành GTVT TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đường Vành đai 2 dài gần 70km (trong đó, có nhiều đoạn lộ giới lên tới 120m) gồm nhiều trục đường kết nối với nhau bao quanh khu vực nội thành, bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) đi qua cầu Phú Mỹ nối vào đường vành đai phía đông (quận 2) ra đến ngã tư Bình Thái (quận 9), đến ngã tư Gò Dưa, nối vào quốc lộ 1A (quận Thủ Đức), đi qua nút giao Tân Tạo, theo đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) và Ba Tơ (quận 8) để khép vào đường Nguyễn Văn Linh.
16km đường Vành đai 2 còn dang dở. |
Mục tiêu của thành phố đặt ra đến năm 2015 sẽ khép kín tuyến đường Vành đai số 2 và khi đó, tuyến đường sẽ giúp tăng năng lực giao thông và kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là giải bài toán ùn tắc giao thông tại các khu vực trung tâm. Kế hoạch là vậy nhưng đến bây giờ, theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, đường Vành đai số 2 hiện còn 4 đoạn với tổng chiều dài khoảng 16km (có tổng đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng) chưa thể hoàn thiện để khép kín toàn bộ các trục đường nội đô. Cụ thể: Đoạn từ quốc lộ 1 đến cầu Rạch Chiếc 2 dài khoảng 700m; từ cầu Rạch Chiếc 2 đến xa lộ Hà Nội dài khoảng 3,8km; từ ngã tư Bình Thái đến cầu vượt Gò Dưa dài khoảng 5km và đoạn từ ngã ba An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh dài khoảng 6,5km.
Cũng theo ông Cường, với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng cho 4 đoạn trên thì ngân sách thành phố không thể đảm đương, bởi vốn ngân sách của thành phố dành cho giao thông cũng chỉ hơn 7.000 tỷ đồng, nếu tính cả vốn ODA thì cũng chỉ đạt xấp xỉ 9.400 tỷ đồng. Chi tiết hơn, ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu quản lý Giao thông đô thị số 2 (Khu 2 - đơn vị quản lý địa bàn quận 2, 9 và Thủ Đức) cho biết, ban đầu, tiểu dự án đoạn từ ngã tư Bình Thái đến cầu vượt Gò Dưa được giao cho một nhà đầu tư tư nhân triển khai nhưng với số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhà đầu tư không kham nổi, buộc phải chuyển giao cho Khu 2 đầu tư bằng nguồn ngân sách, nhưng ngân sách lại không đủ. Các nhà đầu tư tư nhân cũng không thể đảm đương nhiều tiến độ DA còn lại do số vốn lên tới cả nghìn tỷ đồng nên cũng lần lượt xin rút …
Để giải quyết bài toán về vốn và mặt bằng cho DA đường Vành đai 2, ông Cường cho hay, chủ trương của thành phố đề ra trước mắt là kêu gọi nhiều nguồn đầu tư khác nhau như: BT (xây dựng - chuyển giao); xã hội hóa; tư nhân, vốn ODA… để có thể có đủ vốn triển khai DA. Ngoài ra, thành phố đã xác định được quỹ đất gần 250ha trên các địa bàn liên quan của DA nhằm phục vụ hoán đổi, thu hút nhà đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2, quyết tâm thực hiện DA theo đúng kế hoạch. Nếu làm được điều đó, theo ngành chức năng, cũng phải đến năm 2017 con đường này mới có thể hoàn thành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.