(HNM) - Nhằm thay thế cho hai bến xe cũ trong nội thành đã quá chật chội, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê quyệt phương án xây dựng Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây tại địa điểm mới, trong đó đề ra kế hoạch giai đoạn 2015-2016 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác.
Theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng BXMĐ mới có diện tích 16ha (rộng gấp hơn 2,5 lần so với bến xe hiện hữu) tại quận 9 và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) với tổng vốn đầu tư là 960 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2016. Việc xây dựng BXMĐ mới tại đây nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân từ phía Nam ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc. BXMĐ mới sẽ kết nối với các tuyến xe buýt, đặc biệt là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Theo đó, hành khách từ các tỉnh về đây có thể lựa chọn các loại phương tiện công cộng hay tàu điện để vào trung tâm thành phố hoặc về các quận, huyện vùng ven. Bên cạnh đó, bến xe mới còn nhằm chia sẻ một phần hoạt động của BXMĐ hiện hữu (quận Bình Thạnh) hiện đã quá tải và thường xuyên gây ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 13 - cửa ngõ đi vào trung tâm thành phố.
Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) hiện đã quá tải mỗi khi dịp lễ, Tết đến. |
Trước số vốn hàng nghìn tỷ đồng trong việc xây dựng hai bến xe trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín kiến nghị Nhà nước cần có chính sách ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất các DA bến bãi, cho cơ chế về giá và sử dụng dịch vụ. Đối với các dự án BOT, BT, BTO, PPP… kiến nghị cho phép thành phố hỗ trợ lãi vay cho nhà đầu tư; cho phép xác định giá đất cùng thời điểm giao đất. Có như thế mới thu hút được nhà đầu tư cùng chung tay vào mục tiêu xã hội hóa để cùng san sẻ với ngân sách ngày càng eo hẹp của thành phố. |
Đến thời điểm này, khi gần đến thời hạn đưa vào hoạt động nhưng DA trên vẫn chỉ dừng ở khâu GPMB. Lý giải sự chậm trễ, ông Phạm Quốc Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) - đơn vị chủ đầu tư BXMĐ mới cho biết, hiện có 31 hộ dân và 5 doanh nghiệp nhà nước nằm trong diện đền bù giải tỏa với tổng kinh phí khoảng gần 900 tỷ đồng. Tuy nhiên do người dân chưa đồng ý với mức giá đền bù, dẫn tới tiến độ chậm lại.
Đối với DA BXMT còn phức tạp hơn. UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản chấp thuận việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất 20ha tại khu E - Khu đô thị mới Nam thành phố (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) để đầu tư xây dựng BXMT mới, thay vì xây dựng tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) như phê duyệt trước đó 4 năm. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố, DA BXMT vướng mắc lớn nhất lại là với Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng (đơn vị thuê hơn 80ha đất dài hạn để khai thác và sử dụng). Đơn vị này hiện vẫn chưa đồng ý quy hoạch BXMT tại đây.
Trước vấn đề trên, UBND TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng giao lại 20/80ha đất cho việc xây dựng BXMT mới nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng và phát triển thành phố. Thay vào đó, thành phố sẽ khấu trừ lại tiền thuê đất mà Phú Mỹ Hưng đã chi trả dài hạn cho phần đất này. UBND TP cũng giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xác định chi phí san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, bồi thường, GPMB diện tích 20ha để Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng thanh toán lại cho ngân sách thành phố. Được biết, nếu xây dựng BXMT mới thì chi phí xây lắp, đầu tư hoàn chỉnh và GPMB cũng xấp xỉ gần 2.000 tỷ đồng.
Nhìn từ hàng loạt các dự án đầu tư công trong thời gian qua cho thấy, chính việc chậm trễ triển khai dự án là một trong những nguyên nhân chính khiến vốn bị đội lên hàng trăm lần, đồng nghĩa với sự lãng phí ngân sách. Nhiều chuyên gia cho rằng, bài toán kiểm soát đầu tư công tránh lãng phí nên bắt đầu từ những khâu đầu tiên là GPMB, phải bảo đảm hài hòa quyền lợi và công bằng với mọi đối tượng, cần sự quyết liệt hơn của chính quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.