Theo dõi Báo Hànộimới trên

DSM: Giải pháp hiệu quả góp phần bảo đảm cung cấp điện

ANHTHU| 02/10/2007 08:43

(HNM) - Cung cấp năng lượng hiệu quả đang là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế, nên việc tổ chức, gây quỹ thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM), tiết kiệm điện năng ở các nước đang phát triển ngày càng được quan tâm.

Công nhân Cty Điện lực Hà Nội sửa chữa, cải tạo lưới điện nhằm bảo đảm an toàn, tránh thất thoát điện năng trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Ảnh: Ngọc Hà

(HNM) - Cung cấp năng lượng hiệu quả đang là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế, nên việc tổ chức, gây quỹ thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM), tiết kiệm điện năng ở các nước đang phát triển ngày càng được quan tâm.

Về vấn đề này, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã có Quyết định số 2447/QĐ-BCN phê duyệt Chương trình quốc gia về DSM, với mục tiêu khuyến khích cũng như đưa ra những biện pháp quản lý bắt buộc, nhằm thực hiện đồng bộ các bước nâng cao nhận thức cộng đồng về DSM, góp phần bảo đảm việc cung cấp điện.

Chương trình DSM có 4 nhóm nội dung, gồm: Hỗ trợ DSM; các dự án trung và dài hạn; nâng cao nhận thức về DSM; hoàn thiện khung pháp lý về DSM. DSM được nghiên cứu tại Việt Nam từ năm 1997, với sự trợ giúp của Cty Tư vấn Hagler Bailley (Hoa Kỳ) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) đã hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện dự án: “Đánh giá tiềm năng DSM ở Việt Nam”, nhằm xác định tiềm năng DSM để hỗ trợ ngành Điện tìm giải pháp hiệu quả, đáp ứng nhu cầu điện có xu hướng tăng trưởng cao trong tương lai. Kết quả dự án cho thấy, DSM có tiềm năng lớn, góp phần giải quyết vấn đề tăng trưởng nhu cầu điện ở Việt Nam. Dự án đã khuyến nghị Chính phủ Việt Nam triển khai chương trình DSM tổng thể, gồm 2 đến 3 giai đoạn cho đến năm 2010 và có thể cắt giảm được khoảng 770 MW công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia, tương ứng lượng điện năng hơn 3,55 tỷ kWh.

Theo khuyến nghị của WB về chương trình DSM ở Việt Nam, dự án DSM giai đoạn 1 (thực hiện năm 2000-2002) với sự tham gia của một số bộ liên quan, được Quỹ SIDA tài trợ không hoàn lại 29 triệu Curon Thụy Điển (tương đương 2,8 triệu USD) thông qua WB. Cho đến nay, các nội dung chính của dự án đã được thực hiện.

Theo Chương trình đã được phê duyệt, giai đoạn 2007-2010 sẽ xây dựng thí điểm 3 chương trình điều khiển phụ tải trực tiếp sử dụng công nghệ điều khiển bằng sóng điện từ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, với mục tiêu có 150 khách hàng tham gia, giảm 5MW công suất vào giờ đỉnh. Giai đoạn 2010-2015, mở rộng chương trình thí điểm lên 5 chương trình ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ, với mục tiêu có 600 khách hàng tham gia, giảm 20MW công suất vào giờ đỉnh.

Tổng chi phí thực hiện Chương trình 2007-2015 là 119,56 tỷ đồng.

Dự án DSM và Tiết kiệm năng lượng được coi là giai đoạn 2 của Chương trình DSM tổng thể đến năm 2010 đang được Bộ Công thương và EVN thực hiện. Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ ủy thác qua WB, với tổng vốn hỗ trợ là 5,5 triệu USD. Cùng với nguồn vốn tài trợ của GEF, dự kiến huy động được khoảng 12,6 triệu USD vốn đầu tư vào các dự án tiết kiệm điện từ các nguồn vốn tham gia vào dự án và một số nguồn vốn khác.

Khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng nhanh cùng với phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam, DSM càng giữ vai trò quan trọng trong tổng thể các giải pháp góp phần bảo đảm cân bằng cung cầu điện, tăng trưởng kinh tế bền vững. Qua kinh nghiệm các nước có thể khẳng định một nguyên lý cơ bản của DSM là chi phí để tiết kiệm 1 kWh điện rẻ hơn chi phí để cung cấp thêm 1 kWh điện bằng việc xây dựng một nhà máy mới. Điều này rất có ý nghĩa với Việt Nam khi đầu tư phát triển điện lực. Để thực hiện các chương trình DSM hiệu quả và bền vững, cần thiết phải nghiên cứu để tiến tới thành lập Quỹ ích lợi công cộng. Việc thành lập quỹ này được coi là cơ sở quan trọng để thực hiện thành công DSM và tiết kiệm năng lượng. Trước đây, Chương trình DSM thường do các công ty Điện lực thực hiện, bởi các lợi ích về tài chính mang lại từ việc giảm nhu cầu phụ tải đỉnh thay cho việc phải thêm nguồn cung mới. Hiện nay, khi ngành Công nghiệp điện lực đang trong quá trình cải tổ theo hướng phân tách mạnh các chức năng phát điện, truyền tải và phân phối cùng với quá trình phát triển thị trường điện, kinh nghiệm quốc tế cho thấy một cơ quan độc lập chịu trách nhiệm thực hiện các chương trình như thế này là cần thiết, mang lại hiệu quả. Như vậy, Qũy lợi ích công cộng được thành lập sẽ nâng cao khả năng thực hiện thành công các chương trình DSM, vì nó được thực hiện từ nguồn vốn của cộng đồng, là nguồn lực có thể lượng hóa được.

Thanh Mai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
DSM: Giải pháp hiệu quả góp phần bảo đảm cung cấp điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.