Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đốt vàng mã: Gìn giữ văn hóa, loại bỏ mê tín dị đoan

Hoàng Lân| 23/02/2018 13:40

(HNMO) - Đốt vàng mã từ lâu vốn được xem như tập tục truyền thống trong thờ cúng tổ tiên của người Việt. Tuy nhiên, việc làm này đang bị làm cho biến tướng, sai lệch khi nhiều người đốt vàng mã mà không hiểu hết ý nghĩa, đốt vàng mã.


Hiện nay, việc đốt vàng mã đang bị biến tướng.Ảnh minh họa


Đốt vàng mã là không đúng với giáo lý Phật giáo

Ngày 22-2, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn số 31 gửi các địa phương hướng dẫn các phật tử bỏ đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Công văn nêu rõ: “Đề nghị chư Tôn đức Tăng Ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo”. Ngay khi công văn này được ban hành, rất nhiều ý kiến về việc loại bỏ tục đốt vàng mã.

Trả lời báo chí, Thượng tọa Thích Nhật Từ (Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế - Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam) cho biết, tục đốt vàng mã có xuất xứ từ Trung Quốc theo Nho giáo. Tập tục này tin rằng, sau khi chết, linh hồn của con người sẽ tiếp tục tồn tại ở âm phủ. Nhiều người cho rằng “trần sao âm vậy” nên có nhu cầu chăm sóc cho người âm như thể đang còn sống trên trần thế.

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, đạo Phật không khích lệ tập tục này. Đạo Phật là hướng con người tới việc thiện, tu nhân tích đức, thanh thản. Đã đến lúc không nên mặc nhiên để tập tục này tiếp tục diễn ra trong các cơ sở thờ tự. Việc ngừng các hoạt động mê tín dị đoan trong đó có việc đốt vàng mã là điều cần thiết.

Thượng tọa Thích Thiện Đức, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Phật giáo Việt Nam cũng cho hay, tục đốt vàng mã ở Việt Nam do có từ lâu đời nên đã trở thành nét văn hóa, nhưng đang bị lạm dụng như một sự mê tín. Từ nhiều năm nay, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam luôn khuyên nhủ các phật tử bỏ việc đốt vàng mã vì đó là hành động không đúng với giáo lý Phật giáo.

Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo là không đúng, trái với đạo lý của Phật giáo.


Thượng tọa Thích Thiện Đức cũng cho rằng, công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới chỉ giới hạn trong các phật tử và các cơ sở Phật giáo nhưng Giáo hội hy vọng người dân thấm nhuần được tư tưởng Phật giáo, giữ gìn truyền thống văn hóa đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tu nhân tích đức và bỏ những hành động mê tín dị đoan. Số tiền dùng để mua và đốt vàng mã có thể làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo sẽ có ích hơn rất nhiều.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn cũng bày tỏ quan điểm, những nơi thờ Phật giáo cần thanh tịnh, thành tâm chứ không phải là những ồn ào cúng mặn, đốt mã. Trước kia, nhiều người dân không hiểu được hết ý nghĩa của Phật giáo, có nơi còn cho cúng mặn, dâng cả mâm vàng mã để đốt với suy nghĩ càng cúng to, đốt nhiều thì mới có lộc. Đó là suy nghĩ rất sai.

"Hiện nay, một số chùa chiền tuy nằm trong Giáo hội Phật giáo nhưng không chịu sự quản lý chặt chẽ của giáo hội, vẫn phát triển tràn lan những hoạt động lệch lạc để thu lợi. Tôi nghĩ giáo hội và chính quyền nên có biện pháp quản lý chặt chẽ, sâu sát hơn", nhà văn hóa Trần Đình Sơn nhận định.

Tăng cường kiểm tra, quản lý

Theo bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), tập tục đốt vàng mã đã có từ lâu, ăn sâu vào tâm thức người dân Việt Nam nên rất khó từ bỏ trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, hạn chế và loại bỏ việc đốt vàng mã là rất cần thiết, tránh lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn tại các cơ sở thờ tự.

Những năm gần đây, Bộ VH-TT&DL đều ban hành các công văn gửi các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền vận động việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự tín ngưỡng trong đó có việc hạn chế đốt vàng mã, đồ mã. Nếu người dân muốn đốt thì phải đốt đúng nơi quy định, không đốt bừa bãi. Đối với các vi phạm cũng đã có quy định xử phạt theo Nghị định của Chính phủ.

Tại một số “điểm nóng” về việc đốt vàng mã như đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Bộ VH-TT&DL đã phối hợp cùng UBND tỉnh Bắc Ninh xây dựng một đề án nghiên cứu tập tục đốt vàng mã tại đây, và đưa ra các biện pháp tuyên truyền nhằm hạn chế tập tục này.

Ngay đầu mùa lễ hội Mậu Tuất, ngày 21-2, Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VH-TT&DL) gửi công văn số 91/VHCS-QLHĐLH tới Sở VH-TT, Sở VH-TT&DL các địa phương về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu năm 2018. Theo công văn này, các di tích phải có biện pháp kịp thời thu gom tiền lẻ, tiền đặt lễ; hướng dẫn người dân thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định...

Trao đổi với HNMO, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội thừa nhận, mặc dù những lễ hội mở đầu của mùa lễ hội 2018 ở Hà Nội diễn ra khá an toàn, văn minh nhưng vẫn còn tồn tại những hiện tượng chưa đẹp như hiện tượng đốt vàng mã, đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định.

Ông Tô Văn Động khẳng định, thanh tra liên ngành sẽ tiếp tục đi kiểm tra, giám sát và nhắc nhở Ban quản lý các di tích, Ban quản lý lễ hội phải thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và Bộ VH-TT&DL, tuyên truyền, vận động người dân đi lễ văn minh, đốt vàng mã đúng nơi quy định, không đổi tiền lẻ. Sở VH-TT Hà Nội cũng tăng cường truyên truyền các Quy tắc ứng xử văn minh tại lễ hội, hướng dẫn người dự hội có hành vi đẹp.

Tục đốt vàng mã của người Việt được thực hiện từ bao đời nay, nhưng tập tục này đang bị lạm dụng, biến tướng làm mất đi nét đẹp trong truyền thống văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Tục đốt vàng mã phần nào thể hiện sự thành tâm hướng về tiên tổ nhưng nếu quá đà, hành động ấy lại trở nên phản cảm, xấu xí và lãng phí. Suy cho cùng, hành lễ dù ở đâu, khi nào thì điều quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm, thành kính chứ không phải là những quy đổi vật chất theo số lượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đốt vàng mã: Gìn giữ văn hóa, loại bỏ mê tín dị đoan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.