(HNM) - Vừa qua, việc UBND thành phố Hà Nội phê duyệt phương án ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý là một bước đột phá trong cải cách hành chính. Qua đó góp phần tháo những “điểm nghẽn”, tạo động lực nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính, bồi đắp niềm tin, đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện ủy quyền 708 thủ tục hành chính
Quyết định số 4610/QĐ-UBND ngày 22-11-2022 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt phương án ủy quyền giải quyết 617 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố Hà Nội. Đáng chú ý, nội dung ủy quyền từ UBND thành phố về các sở là 162 thủ tục, về UBND cấp huyện là 5 thủ tục; từ Chủ tịch UBND thành phố về sở là 3 thủ tục, về Chủ tịch UBND huyện là 17 thủ tục. Bên cạnh đó, nội dung ủy quyền từ sở về UBND cấp huyện là 82 thủ tục; từ sở về UBND cấp xã là 1 thủ tục; phòng thuộc sở về phòng thuộc UBND cấp huyện là 30 thủ tục; từ UBND cấp huyện về cấp xã là 18 thủ tục...
Theo Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, với việc ủy quyền thêm 617 thủ tục hành chính và 91 thủ tục hành chính đã được phân cấp, ủy quyền, thành phố sẽ thực hiện ủy quyền 708/1.785 thủ tục hành chính toàn thành phố được rà soát, đạt tỷ lệ khoảng 37%.
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho rằng, việc triển khai ủy quyền thủ tục hành chính sẽ tạo chủ động cho địa phương trong quản lý nhà nước, điều chỉnh và giải quyết các vấn đề dân sinh. “Với thị xã, việc phân cấp, ủy quyền kỳ vọng sẽ giúp quản lý tốt hơn nhiều nội dung như quản lý vùng lõi phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây; quản lý trường trung học phổ thông sẽ thuận tiện cho việc cải tạo sửa chữa, đáp ứng yêu cầu giáo dục”, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Nhận định việc ủy quyền là bước đầu của phân cấp, nhưng sự kỳ vọng rất khả quan, đặc biệt với các doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn cho rằng, việc ủy quyền, phân cấp giúp tạo chủ động, hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính và giảm thời gian phải trình các cấp. “Doanh nghiệp thường xuyên làm các thủ tục liên quan đến đầu tư, nếu phải thực hiện nhiều thủ tục, dẫn tới cơ hội đầu tư và năng suất lao động giảm. Do đó, ủy quyền hướng tới phân cấp sẽ giúp doanh nghiệp rất nhiều, đồng thời góp phần giảm bớt lãng phí của xã hội”, ông Lê Vĩnh Sơn nói.
Với việc thường xuyên thực hiện các thủ tục hành chính tại cấp xã, anh Nguyễn Văn Quảng (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) nhận định, việc ủy quyền thủ tục hành chính từ UBND cấp huyện về cấp xã sẽ giúp người dân không mất thời gian đi lại, chờ đợi kết quả, từ đó càng làm rõ hơn những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính của thành phố.
Con người là mấu chốt trong hệ thống
Có thể khẳng định, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính là nội dung rất bức thiết trong bối cảnh của thành phố hiện nay, có tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị nói chung và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói riêng tại các cấp chính quyền. Tính khả thi còn phụ thuộc nhiều yếu tố như năng lực bộ máy cán bộ, nguồn lực tài chính...
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: “Quan điểm cải cách hành chính của thành phố là dù hiện đại hóa, số hóa đến đâu thì cuối cùng con người vẫn là mấu chốt trong hệ thống đó”. Vì thế, những nội dung phân cấp, ủy quyền mới là kết quả bước đầu, công tác rà soát, điều chỉnh phân cấp, ủy quyền sẽ là công việc thường xuyên và liên tục của thành phố.
Để thực hiện tốt công tác ủy quyền thủ tục hành chính đã được phê duyệt, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, từ nay đến khi chính thức thực hiện ủy quyền, đơn vị sẽ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành thuộc UBND thành phố, UBND cấp huyện trong quá trình thực hiện phương án ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính theo các quy định.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà chia sẻ, về tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị phải bảo đảm phù hợp với thực tiễn thực hiện phương án phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính. Do đó, Sở Nội vụ sẽ phối hợp hướng dẫn các đơn vị rà soát, đánh giá thực trạng về nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy, biên chế so với yêu cầu, khối lượng công việc của mỗi cấp, mỗi cơ quan; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, bảo đảm đủ yêu cầu, điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ khi được ủy quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.