(HNM) - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo khẳng định, nghị quyết bao gồm những giải pháp mạnh, tạo bước đột phá từ các khâu của công tác cán bộ, với quyết tâm nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.
Đòi hỏi quan trọng, cấp bách
- Nghị quyết số 04-NQ/TU là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Thành ủy Hà Nội khóa XVII. Lý do ra đời nghị quyết này là gì, thưa đồng chí?
- Những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Trung ương về công tác cán bộ. Đội ngũ cán bộ các cấp từ thành phố đến cơ sở được xây dựng cơ bản bảo đảm về số lượng, cơ cấu, chất lượng...
Tuy nhiên, các khâu về công tác cán bộ đều còn những mặt hạn chế, tồn tại. Đó là một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác cán bộ. Hệ thống các quy chế, quy định chưa đồng bộ, thiếu thống nhất. Tính liên thông trong các khâu của công tác cán bộ chưa được phát huy; còn tình trạng chỉ chú trọng bổ nhiệm cán bộ, xem nhẹ các khâu khác...
Nghị quyết số 04-NQ/TU được Thành ủy ban hành nhằm cụ thể hóa nội dung về công tác cán bộ trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố, đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại, tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu chiến lược phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô.
- Các nghị quyết chuyên đề trước đây thường do Ban Thường vụ Thành ủy ban hành. Vì sao thẩm quyền ban hành nghị quyết này được nâng lên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố?
- Như chúng ta đều biết, công tác cán bộ có vị trí, tầm quan trọng rất lớn. Nguyên tắc là Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của cấp ủy các cấp... Do đó, Thành ủy phải có trách nhiệm ban hành nghị quyết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Thẩm quyền ở đây đã nói lên tính chất quan trọng, cấp bách, cũng là đòi hỏi, quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị thành phố trong việc thực hiện công tác này.
- Đồng chí đánh giá ra sao về những khó khăn, thuận lợi trong thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU?
- Với nghị quyết này, Thành ủy quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thành phố có tư tưởng chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu. Cán bộ phải có tư duy, khát vọng đổi mới; năng lực, uy tín; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, ứng phó với tình huống khó khăn, phức tạp phát sinh... Ngoài cơ cấu, số lượng hợp lý, đội ngũ còn phải bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ.
Thuận lợi là mục tiêu của nghị quyết đúng và trúng với yêu cầu đang đặt ra, vấn đề được Trung ương quan tâm, dư luận nhân dân tin tưởng, kỳ vọng. Hà Nội cũng có nền tảng rất tốt để thực hiện.
Song, nghị quyết được xây dựng nhằm đổi mới toàn diện công tác cán bộ, như mục tiêu nêu trên, là không đơn giản. Cái gì mới thì thường khó khăn; nhất là đòi hỏi được thực hiện với các giải pháp đồng bộ, trong đó có những giải pháp mạnh, mang tính đột phá.
Kiên quyết, kịp thời thay thế cán bộ yếu kém
- Vậy những giải pháp mạnh, mang tính đột phá nêu trong nghị quyết là gì, thưa đồng chí?
- Nghị quyết đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ. Trong đó, nhóm giải pháp mang tính đột phá chính là nhóm giải pháp thứ ba, tập trung vào đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong thực hiện các khâu của công tác cán bộ.
Tiêu biểu, Thành ủy sẽ chỉ đạo sửa đổi Quyết định số 3814-QĐ/TU, ngày 16-5-2018 của Thành ủy về “Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Việc sửa đổi còn nhằm đánh giá cán bộ đa chiều, liên tục, bảo đảm nguyên tắc và quy trình, dân chủ, khách quan, chính xác, công khai, minh bạch. Kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, lãnh đạo, quản lý phải dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của tập thể. Kết quả hằng tháng là căn cứ chính để đánh giá, xếp loại thi đua hằng năm; thực hiện đồng bộ công tác đánh giá cán bộ, công chức với đánh giá đảng viên hằng năm. Kết quả đánh giá cán bộ là tiền đề cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động và sử dụng cán bộ…
Đối với công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Thành ủy sẽ dự báo xu hướng phát triển của thành phố để có kế hoạch chuẩn bị nguồn cán bộ từ sớm; quy hoạch phải bảo đảm tính khả thi, liên tục. Cán bộ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý phải tự đề xuất nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa và đáp ứng tiêu chuẩn bổ nhiệm, bố trí vào chức danh quy hoạch... Thành ủy sẽ ban hành khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thống nhất trong toàn hệ thống chính trị thành phố; có cơ chế động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức tự học tập nâng cao trình độ...
Ngoài ra, việc luân chuyển cán bộ cũng sẽ là giải pháp đột phá. Điểm nhấn ở giải pháp này là Thành ủy sẽ tăng cường thực hiện luân chuyển dọc, luân chuyển ngang giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị; luân chuyển giữa các vị trí công tác trong cùng một đơn vị. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương; từng bước bố trí chủ tịch UBND cấp huyện không là người địa phương; phấn đấu bố trí, sắp xếp khoảng 50% bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương.
Giải pháp mạnh khác là thành phố sẽ kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển những cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn thiếu tập trung, quyết liệt trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, lãnh đạo doanh nghiệp chậm cổ phần hóa; để địa phương, đơn vị phát triển không tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đầu tư của thành phố; tín nhiệm thấp, dĩ hòa vi quý, bè cánh gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, có sai phạm nhưng chưa đến mức bị kỷ luật; dư luận cán bộ, đảng viên và có đơn thư phản ánh tiêu cực... Việc thay thế không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.
- Xin đồng chí cho biết về lộ trình thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ làm gì để góp phần sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống?
- Trong nghị quyết đã phân công rõ nhiệm vụ cụ thể. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ có chỉ đạo về quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết. Tuy nhiên, như đề cập ở trên, nghị quyết có tính hành động rất cao, nên các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị có thể chủ động vận dụng thực hiện ngay.
Ban Tổ chức Thành ủy sẽ chủ trì phối hợp với các ban Đảng và Văn phòng Thành ủy, các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định, đề án về công tác cán bộ; tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện, đánh giá sơ kết, rút kinh nghiệm kết quả thực hiện hằng năm và tổng kết nghị quyết vào cuối nhiệm kỳ 2020-2025.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.