Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đột phá đổi mới mô hình tăng trưởng

Hồng Sơn| 06/06/2016 06:30

(HNM) - Đổi mới mô hình tăng trưởng ngày càng đặt ra như vấn đề tất yếu mang tính quy luật trong quá trình hội nhập và là yêu cầu tự thân trong quá trình phát triển của TP Hà Nội.

Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P.Việt Nam (KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: Viết Thành


Từ xác định mục tiêu

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, giai đoạn 5 năm tới, Hà Nội chủ trương phát huy tiềm năng và thế mạnh, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm an sinh xã hội, đưa kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, bền vững. Đây cũng là cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng với định hướng "kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh".

Trước mắt, Thủ đô sẽ hình thành và vận hành đầy đủ, ở cấp độ hoàn thiện đối với các thị trường quan trọng, gồm chứng khoán, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế và lao động. Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc hình thành và hoạt động đồng bộ các thị trường trên là yếu tố quan trọng, phát triển một nền kinh tế theo hướng thị trường đúng nghĩa, tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) phát triển. Các DN thuộc lĩnh vực dịch vụ sẽ tập trung phát huy sức sáng tạo, đổi mới, tạo ra những sản phẩm có sức hấp dẫn và mang đậm dấu ấn Hà Nội. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định sự phát triển của DN nói chung, từ đó đóng góp vào chất lượng tăng trưởng của kinh tế Thủ đô.

Hà Nội cũng chủ động phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao như dược phẩm, vật liệu mới, điện tử - bán dẫn, quang học, linh kiện cơ khí chính xác… Đồng thời, giảm thiểu các hoạt động sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên, mặt bằng, năng lượng và lao động. Đây là phương cách nhằm bảo vệ môi trường kết hợp gia tăng giá trị của sản phẩm - nền tảng cho việc cải thiện sức cạnh tranh, phát triển bền vững nền kinh tế Thủ đô.

Lãnh đạo UBND thành phố chủ trương điều hành theo nguyên tắc, chính quyền thiết lập thể chế, làm tốt trách nhiệm kiến tạo, nhất là phát triển thị trường, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển và cạnh tranh bình đẳng. Đồng thời, thành phố đề ra các công cụ điều tiết và kiểm soát thị trường hiệu quả, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm công bằng xã hội. Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến mục tiêu xây dựng chính quyền vì dân, vì DN; hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, phấn đấu đi đầu trong việc xây dựng chính quyền điện tử, thượng tôn pháp luật và sự liêm chính trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; lấy sự hài lòng của DN làm thước đo hiệu quả công việc.

Đến biện pháp đồng bộ

Theo kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố năm 2015, chỉ số PCI của Hà Nội đạt 59 điểm, xếp ở vị trí 24/63, tăng 2 bậc so với năm 2014, thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá. Cần lưu ý, năm 2015 là năm thứ 3 liên tiếp, chỉ số PCI của Hà Nội thăng hạng và xếp hạng cao nhất từ ngày công bố chỉ số PCI của các địa phương. Kết quả đó đã ghi nhận sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Ngày 30-5 vừa qua, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch số 101/KH-UBND nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của TP Hà Nội trong năm 2016. Với kế hoạch này, Hà Nội đặt mục tiêu tăng từ 7 đến 10 bậc xếp hạng đối với 4 chỉ số cụ thể là các chỉ số: "Gia nhập thị trường"; "Tính minh bạch và tiếp cận thông tin"; "Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước"; "Tính năng động và tiên phong của chính quyền". Đồng thời phấn đấu tăng từ 5 đến 7 bậc đối với 4 chỉ số khác là: "Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất"; "Chi phí không chính thức"; "Thiết chế pháp lý"; "Môi trường cạnh tranh bình đẳng". Các sở, ngành, quận, huyện phải công khai và hướng dẫn rõ ràng các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính cho công dân và DN. Các hồ sơ đăng ký của DN qua mạng được giải quyết trong 2 ngày làm việc (giảm 33% so với quy định chung); phấn đấu giải quyết đúng thời hạn 100% hồ sơ đăng ký qua mạng; duy trì tỷ lệ DN kê khai thuế điện tử trên 95%, nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 90%, thời gian nộp thuế và bảo hiểm không quá 168 giờ/năm, giảm thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu xuống dưới 10 ngày và đối với nhập khẩu dưới 12 ngày...

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, dự báo khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn sẽ chiếm hơn 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Do đó, Hà Nội cần rà soát hiện trạng quỹ đất để có biện pháp sử dụng hiệu quả tối đa nguồn quỹ đất trên địa bàn. Theo ông Đặng Huy Đông, đây là nguồn lực rất lớn mà Hà Nội còn nhiều cơ hội để tận dụng, tạo nguồn thu thông qua đấu giá đất, phục vụ mục tiêu đầu tư các dự án, công trình phát triển KT-XH, công ích và hạ tầng trên địa bàn; trong khi DN dân doanh cơ hội nhận được mặt bằng để sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, một số chuyên gia gợi ý, cảnh quan thiên nhiên, nét đặc trưng và bề dày truyền thống Thăng Long - Hà Nội không phải đô thị nào cũng có như Thủ đô. Xuất phát từ điều kiện cụ thể này, Hà Nội cần nghiên cứu chiến lược xây dựng hình ảnh một cách độc đáo, quảng bá rộng rãi tới DN trong và ngoài nước để mời gọi đầu tư phát triển. Về lâu dài, phát triển du lịch từ nguồn vốn của DN dân doanh và DN đầu tư nước ngoài sẽ tạo ra lợi ích tổng hợp, như tạo ra nguồn thu ngân sách, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, kết hợp quảng bá văn hóa Thủ đô...

Những tiền đề và mô hình dựa trên tư duy đổi mới và sáng tạo, phù hợp xu thế phát triển đang giúp cho Hà Nội nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu là đầu tàu trong sự phát triển quốc gia, là động lực cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Hà Nội đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân đạt 8,5-9%/năm, thu nhập bình quân đạt 6.700-6.800 USD/người/năm, tổng mức huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2.500-2.600 nghìn tỷ đồng. Đến nay, Hà Nội đã xác định quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, với định hướng hiện đại, phù hợp với đặc điểm, tiềm năng, thông qua cơ cấu: Dịch vụ - Công nghiệp, Xây dựng - Nông nghiệp; trong đó tỷ trọng dịch vụ chiếm 61-62% GDP, công nghiệp và xây dựng chiếm 35-36,5% GDP vào năm 2020. Cơ cấu này cho thấy sự tập trung phát triển các ngành dịch vụ, phát huy thế mạnh về nguồn lực chất xám; cũng là tiền đề cho việc bước vào giai đoạn phát triển kinh tế tri thức tiếp theo.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đột phá đổi mới mô hình tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.