(HNM) - Hoạt động đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm nay đang có hai xu hướng trái chiều nhau; đó là vốn cấp mới giảm trong khi vốn thực hiện tăng.
Sản xuất thép tại Công ty Siam Steel Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng |
Vốn cấp mới giảm
Tính chung, trong 4 tháng đầu năm 2014 cả vốn cấp mới và phần tăng vốn của các dự án cũ, các nhà ĐTNN đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 4,855 tỷ USD, bằng 59,1% so với cùng kỳ 2013. Như vậy, con số này đã phản ánh thực trạng suy giảm về nguồn vốn cấp mới. Các chuyên gia cũng đưa ra nhận định ban đầu như: Vốn ĐTNN mới cấp phép đạt thấp là do có sự cạnh tranh trong thu hút vốn ĐTNN của một quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái Lan và nhất là nhân tố mới nổi lên là Myanmar, từ đó dẫn đến việc nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn để phân bố nguồn lực rộng hơn trên cơ sở cân nhắc toàn diện về chi phí và hiệu quả kinh tế. Cũng có nhận định rằng, sự suy giảm về vốn đăng ký mới là do trong 4 tháng qua thiếu vắng những dự án quy mô lớn, trong khi giới đầu tư quốc tế đang thực hiện quá trình tái cơ cấu hạng mục và địa bàn đầu tư nhằm hạn chế rủi ro, bảo toàn và phát triển vốn…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo kết quả thu hút vốn ngoại năm nay có thể sẽ không giảm so với năm ngoái, bởi đang có nhiều dự án, đặc biệt là một số dự án lớn đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ, chuẩn bị đề nghị cấp phép. Đáng lưu ý, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, ban hành danh mục dự án quốc gia kêu gọi ĐTNN đến năm 2020, gồm 127 dự án, với tổng số vốn dự kiến lên tới 60 tỷ USD. Danh mục có 5 nhóm như: kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kết cấu hạ tầng xã hội, nông nghiệp, bảo quản chế biến và sản xuất - dịch vụ. Trong đó, có một số dự án tiêu biểu, mang ý nghĩa quan trọng đối với quốc kế dân sinh, như dự án lọc dầu Nam Vân Phong, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Cảng hàng không quốc tế Long Thành… Đây là thông tin tổng quát và định hướng cho giới đầu tư nhằm vào, tổ chức tiếp cận, điều tra nghiên cứu để đi đến quyết định đầu tư.
Vốn thực hiện tăng
Ngược lại diễn biến vốn mới cấp phép, trong 4 tháng đầu năm 2014, các dự án ĐTNN đã giải ngân 4 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, nhờ giải ngân vốn tốt, nên nhiều DN có vốn ĐTNN đã đưa thêm những dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động; nhất là duy trì và tạo mới một số lượng việc làm không nhỏ, từ đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Hiện, dòng vốn đầu tư quốc tế chưa được khơi thông mạnh mẽ, đang trong thời kỳ chịu ảnh hưởng tiêu cực do suy thoái kinh tế nên kết quả vốn giải ngân gia tăng như trên cho thấy niềm tin rất lớn của nhà đầu tư đối với thị trường và tương lai kinh tế Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc đều đánh giá khá tích cực về tương lai và vị thế của Việt Nam trong khu vực. Bên cạnh đó, khu vực có vốn ĐTNN cũng đang thể hiện rõ sức sống và tăng trưởng mạnh mẽ. Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu (kể cả dầu thô) trong 4 tháng qua đạt 30,35 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 66,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nhờ sự đóng góp như vậy nên Việt Nam đã cân bằng được cán cân thương mại, có điều kiện chủ động trong hoạt động thanh toán quốc tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong việc tăng tốc độ cải cách hành chính mà trọng tâm là cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ DN trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế và thủ tục hải quan. Đặc biệt, một số địa phương giàu tiềm năng, có uy tín gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ động lập dự án, xây dựng những khu công nghiệp để kêu gọi ĐTNN theo chuyên ngành, như điện tử, bán dẫn, tin học, cơ khí… theo hoặc đối tác, như gọi DN Nhật Bản, Hàn Quốc… để kết hợp phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cũng như hướng dòng vốn ngoại "chảy" đúng hướng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.