(HNM) - Hiện tượng nóng lên toàn cầu là một thách thức lớn đối với các loài động vật. Để đối phó với tình trạng này, một số loài di chuyển đến những khu vực mát mẻ hơn, một số thay đổi thời gian diễn ra các sự kiện quan trọng trong cuộc sống như thời điểm sinh sản và di cư.
Trong một nghiên cứu được công bố mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Deakin (Australia) phát hiện thêm một phương pháp mà các loài động vật dùng để thích nghi với biến đổi khí hậu, đó là sự gia tăng kích thước tai, đuôi, mỏ và các phần phụ khác của chúng.
Các nhà khoa học đã phát hiện sự thay đổi hình dạng được thể hiện rõ ràng nhất ở các loài chim, cụ thể là sự gia tăng kích thước mỏ. Đối với một số loài vẹt sống tại Australia, các nghiên cứu cho thấy kích thước mỏ của vẹt lưng đỏ và vẹt mào Cockatoo đã tăng từ 4% đến 10% kể từ năm 1871.
Các phần phụ của động vật có vú cũng ngày càng tăng về kích thước. Chẳng hạn, chiều dài đuôi và chân của những con chuột chù sống ở Alaska (Mỹ) tăng lên đáng kể từ năm 1950 đến nay. Cũng trong khoảng thời gian này, kích thước cánh của loài dơi Hipposideros armiger đã tăng lên khoảng 1,64%.
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số dự đoán về những loài động vật có nhiều khả năng thay đổi kích thước phần phụ nhất để phản ứng với nhiệt độ tăng, gồm: Chim sáo đá, chim sẻ hót, một loạt các loài chim biển và động vật có vú nhỏ, chẳng hạn như thú có túi Opossum ở khu vực Nam Mỹ.
Nghiên cứu này cũng cho thấy một số loài động vật đang thích nghi với biến đổi khí hậu, nhiều loài khác thì không. Vì vậy, cách tốt nhất để con người bảo vệ các loài trong tương lai là giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu càng nhiều càng tốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.