(HNMO) - Ngày 21-10, bên hành lang kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã đồng tình về đề xuất của Chính phủ chưa thực hiện điều chỉnh mức tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng vào năm 2021.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân (đại biểu Đoàn Cà Mau):
Bảo toàn năng lực tài chính quốc gia
Tăng lương cho người lao động là mong muốn không chỉ của Đảng, Nhà nước mà của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là những người hưởng lương từ ngân sách.
Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng, năng lực tài chính hiện nay của quốc gia rất hạn hẹp do những tác động liên tiếp từ ngoại cảnh như đại dịch Covid-19 với số lượng hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, không hoạt động. Những “cỗ máy” sản xuất, đóng góp cho ngân sách giảm sút nên việc thu ngân sách giảm nhiều, dẫn tới nguồn tiền để trang trải cho chi thường xuyên giảm mạnh, trong đó có chi tiền lương là dễ hiểu. Do đó, Chính phủ phải chọn cách an toàn nhất là khi nguồn lực có hạn thì phải bảo toàn nguồn lực.
Do vậy, Chính phủ đề xuất chưa tăng lương cơ sở trong năm 2021 để bảo toàn năng lực tài chính của quốc gia, nguồn lực của đất nước là hợp lý. Như vậy, trong khó khăn chung, chúng ta chia sẻ lẫn nhau, chia sẻ với Nhà nước là việc nên làm.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (đại biểu Đoàn Thanh Hóa):
Tăng lương vào thời điểm thích hợp
Chính phủ đề xuất chưa tăng lương cơ sở do nhiều nguyên nhân, trong đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngân sách chưa đủ thu nên cần cân đối lại nguồn ngân sách. Cần nhìn nhận thực tế là nếu tăng lương trong lúc khó khăn này thì trượt giá mạnh hơn.
Do vậy, việc tăng lương là chưa thực sự phù hợp vào thời điểm hiện nay. Vào thời điểm thích hợp khi chúng ta cân đối được ngân sách thì việc tăng lương sẽ có ý nghĩa hơn nhiều.
Nguyên tắc là tăng lương nhưng phải giữ giá và nếu tăng lương nhưng để trượt giá thì không giải quyết vấn đề đời sống cho người dân. Do đó, tôi ủng hộ chưa tăng lương cơ sở trong năm 2021 như đề xuất của Chính phủ.
Trước đó, chiều 20-10, trình bày trước Quốc hội Báo cáo thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đề nghị trong năm 2021 chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng; đồng thời, điều chỉnh chuẩn nghèo trong năm 2021 để tập trung dành nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 và một số vấn đề cấp bách khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.