(HNM) - Thực tế khi bắt tay vào việc, từ khâu xây dựng hồ sơ thiết kế tàu để làm căn cứ xin vay vốn ngân hàng đến tìm vốn đối ứng để đóng tàu mới, ngư dân đều đang gặp khó.
Đóng tàu vỏ thép tại Công ty Đóng tàu Phà Rừng (Quảng Ninh). Ảnh: Hà Linh |
Mới có 28% tổng số tàu đăng ký đóng mới
Theo Bộ NN&PTNT, sau 8 tháng triển khai thực hiện Nghị định 67 đã có 628 chiếc tàu đăng ký đóng mới (chiếm gần 28% tổng số tàu được phê duyệt phân bổ), trong đó 267 tàu vỏ thép, 44 chiếc bằng vật liệu mới, 317 tàu vỏ gỗ và 80 tàu đăng ký nâng cấp. Đến nay, 31 tàu đăng ký đóng mới và nâng cấp đã ký được hợp đồng tín dụng với tổng số tiền 271 tỷ đồng, thời hạn cho vay là 11 năm, mức cho vay từ 60 đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu. Các ngân hàng thương mại đã cho 68 khách hàng vay vốn lưu động cho các chuyến đi biển đạt gần 22 tỷ đồng. Ngoài ra, đã có 23.604 người được bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên với tổng số tiền phí bảo hiểm 46,2 tỷ đồng.
Còn theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay các ngân hàng thương mại đã tiếp nhận 159 bộ hồ sơ của chủ tàu tại 17 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, việc vay vốn của các chủ tàu tiến triển chậm. Trong 550 tàu cá đã được cơ quan chức năng phê duyệt, các ngân hàng thương mại chưa nhận được hồ sơ vay vốn của chủ tàu. Nguyên nhân chủ yếu là do khách hàng đang lựa chọn mẫu tàu nào cho phù hợp để đánh bắt ở ngư trường nhằm mang lại hiệu quả cao; có trường hợp đang chờ các cơ quan chức năng phê duyệt hồ sơ thiết kế tàu, một số khách hàng chưa lựa chọn được cơ sở đóng tàu…
Các địa phương đều cho rằng: Ngoài khó khăn trong việc lựa chọn mẫu tàu hoặc cơ sở đóng tàu, ngư dân còn thiếu vốn đối ứng khi đóng mới tàu. Theo quy định của Nghị định 67 nếu ngư dân có nhu cầu vay vốn để gia cố vỏ tàu, nâng cấp hầm bảo quản thì cho vay nhưng các chủ tàu vẫn ngần ngại bởi mức lãi suất 7%/năm không hấp dẫn với các chủ tàu. Ngoài ra, với thời hạn vay vốn ngắn như hiện nay khiến cho ngư dân gặp khó trong việc hoàn trả vốn.
Đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 32 tàu được phê duyệt đóng mới, 13 tàu được nâng cấp. Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh là không sử dụng máy cũ vì sẽ không kiểm soát được chất lượng tàu, Do đó, thay vì nâng cấp, sửa chữa để nâng công suất cho máy cũ, Nhà nước nên xem xét tăng lượng vốn vay cho ngư dân và nâng thời hạn vốn vay lên 16 năm đối với tàu vỏ thép. Còn tàu vỏ gỗ thì cho phép lắp đặt máy đã qua sử dụng nhưng chất lượng còn từ 80% trở lên.
Đẩy nhanh hồ sơ thiết kế mẫu tàu
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, về chủ trương, Bộ NN&PTNT cũng không khuyến khích nghề lưới kéo. Vì vậy, nhằm bảo đảm nguồn tài nguyên biển và để nghề cá khai thác có hiệu quả, việc sử dụng tàu vỏ thép công suất lớn đánh bắt xa bờ là chủ trương đúng. Tuy nhiên, để Nghị định 67 đi vào cuộc sống, các địa phương cần phối hợp với các bộ, ngành của Trung ương, các chi nhánh ngân hàng sở tại từng bước tháo gỡ khó khăn cho ngư dân trong việc xây dựng hồ sơ thiết kế mẫu tàu và giới thiệu các chủ cơ sở đóng tàu có uy tín. Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để cho ngư dân có thể tiếp cận với nguồn vốn vay của các ngân hàng trong thời gian sớm nhất.
Đối với việc sử dụng tàu cũ, nâng công suất, các địa phương cần tuyên truyền để ngư dân hiểu và chấp hành quy định chỉ cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị với thời gian sử dụng dưới 10 năm, chất lượng còn trên 70% để không xảy ra tình trạng nhập máy móc cũ về trở thành đống phế liệu. Hơn nữa, các cơ quan chức năng cần kiểm soát gắt gao việc đóng tàu mới cũng như nâng cấp tàu cũ để bảo đảm chất lượng, tàu hoạt động có hiệu quả, không gây lãng phí tiền của Nhà nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng, Nghị định 67 phù hợp với chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và đáp ứng phần nào nguyện vọng của ngư dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện có nhiều vướng mắc, khó khăn. Vì vậy, thời gian tới các địa phương cần kiên trì thực hiện chính sách này, trong đó tập trung vào tuyên truyền và tháo gỡ để giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay. Về đề nghị của các địa phương kéo dài thời gian cho vay lên 16 năm đối với tàu vỏ thép, tàu đóng mới lắp máy cũ, các bộ, ngành cần nghiên cứu, xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp giải quyết thỏa đáng. Nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá thời gian gần đây đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế sản xuất ở các địa phương. Do đó, các bộ, ngành cũng như chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu khi ra khơi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.