(HNM) - Cuối tháng 6 vừa qua, Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Cây to bắt đầu từ mầm nhỏ” của tác giả Trần Hùng John. Cuốn sách của một chàng trai trẻ, chưa gánh trách nhiệm làm cha mẹ đã một lần nữa gợi lại câu chuyện về sự cần thiết xây dựng dòng sách kỹ năng gia đình của người Việt viết cho người Việt.
Tác giả Trần Hùng John cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Cây to bắt đầu từ mầm nhỏ”. |
Thu hút nhờ vấn đề nóng, gần gũi
Buổi ra mắt sách “Cây to bắt đầu từ mầm nhỏ” thu hút khá đông độc giả tham gia. Những vấn đề được Trần Hùng Jonh đề cập trong tác phẩm được làm nóng hơn bởi những vị khách mời đặc biệt: Chị Phan Hồ Điệp (mẹ của cậu bé tài năng Đỗ Nhật Nam), nhà văn Trang Hạ, nhà văn DiLi. Hàng loạt vấn đề cụ thể, gần gũi được đặt ra, như việc bố mẹ nên bày tỏ cảm xúc yêu thương thế nào, tương tác gắn kết với con ra sao, làm thế nào để giúp con trang bị kiến thức về giới tính, hay là việc có nên bắt con phải học quá nhiều, có nên làm việc thay con, so sánh con mình với con người ta…
Trước đó, những buổi ra mắt các cuốn sách khác về nuôi dạy con cũng đã thu hút được sự quan tâm của độc giả, nhất là các ông bố, bà mẹ trẻ. Trong ngày ra mắt cuốn sách “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu”, hội trường khách sạn Bảo Sơn (Hà Nội) không còn một ghế trống. Những buổi giao lưu ra mắt sách của gia đình cậu bé Đỗ Nhật Nam, khán phòng cũng luôn kín chỗ… Cuốn “Cuộc chiến tuổi dậy thì” của nhà giáo Nguyễn Thị Phương Hoa đã được NXB Phụ nữ chuyển thể thành sách từ những trang nhật ký dí dỏm và chân thật của một người mẹ cũng để lại ấn tượng sâu sắc qua các buổi giới thiệu, giao lưu với không ít phụ huynh…
Có thể nói, các tác phẩm trên đã đề cập tới những vấn đề nóng, gần gũi với hầu hết gia đình Việt Nam hiện nay khi câu chuyện giáo dục trẻ đòi hỏi các phụ huynh không chỉ phải có tình yêu thương mà còn thực sự phải có kiến thức, kỹ năng.
Sự xuất hiện ngày một nhiều các tác phẩm chia sẻ chuyện nuôi dạy con cũng như sự quan tâm của độc giả đối với dòng sách “công cụ” này cũng là một tín hiệu vui cho ngành xuất bản Việt Nam. Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ: “Ngày nay, các bậc làm cha mẹ, nhất là các ông bố bà mẹ trẻ có thể tìm đọc rất nhiều cuốn sách về giáo dục do các học giả, chuyên gia thế giới viết và chắt lọc những kiến thức cho việc nuôi dạy con cái của mình. Tuy nhiên, họ vẫn băn khoăn trước những cách nuôi dạy con có sự pha trộn giữa cái cũ và cái mới. Những cuốn sách dạy con của người Việt Nam gần đây đã ít nhiều hóa giải cho những băn khoăn đó".
Vun đắp triết lý giáo dục của người Việt
Có thể điểm lại một loạt sách chia sẻ kỹ năng giáo dục trẻ cũng như các vấn đề khác của gia đình hiện đại do chính phụ huynh Việt Nam viết như “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” của nhà báo Hồ Thị Hải Âu; “Cuộc chiến tuổi dậy thì” của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa; “Tròn một vòng yêu thương”, “Ánh sao trong lòng bố” của PGS.TS Đỗ Xuân Thảo; “Yêu thương mẹ kể”, “Dưới sao mẹ kể con nghe” của nhà giáo Phan Thị Hồ Điệp; “Trái tim của mẹ” của nhà báo Phạm Thị Hoài Anh; “Con nghĩ đi, mẹ không biết” của nhà báo Thu Hà… Đó không phải là những cuốn sách về giáo dục mang tính học thuật, mà chủ yếu là sự sẻ chia hết sức bình dị, là những câu chuyện hoàn toàn có thật trong hành trình làm cha mẹ mà các tác giả đã đi qua. Có khi, đó chỉ là những trang viết về chặng đường khôn lớn của con, có lúc lại là "câu chuyện dọc đường" và sự trải lòng của những người cha, người mẹ… Những sẻ chia ấm áp trong mỗi cuốn sách như chất xúc tác vô cùng ý nghĩa để truyền cảm hứng cho các phụ huynh trên hành trình cùng con khôn lớn.
Nhiều đơn vị xuất bản cũng đã có định hướng cụ thể cho việc ra đời các dòng sách, tủ sách, định hướng giáo dục (giáo dục theo lứa tuổi, giáo dục song ngữ…), tạo điều kiện thuận lợi cho dòng sách kỹ năng làm cha mẹ “made in Việt Nam” có cơ hội phát triển.
Sức hấp dẫn của cuốn sách phụ thuộc vào khả năng thể hiện của tác giả. Tuy nhiên, dấu ấn của người làm sách, của các đơn vị xuất bản là rất đáng ghi nhận trong việc cất lên tiếng nói nguyện vọng, băn khoăn, trăn trở và gửi gắm cả những triết lý giáo dục của người Việt thời hiện đại.
TS Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Sách Thái Hà chia sẻ: “Các ông bố, bà mẹ có thể nuối tiếc về tuổi thơ của mình nhưng không thể cho con, cho cháu mình có một tuổi thơ đầy nuối tiếc.
Và rằng, nếu như thật sự biết cách nuôi con, dạy con, Việt Nam ta có thể có nguồn tài nguyên nhân tài vô tận”.
Nhà văn Trang Hạ cho biết, sau 14 cuốn sách cả viết, cả dịch dành cho người lớn đã được xuất bản, tới đây, chị sẽ cho ra mắt bộ truyện tranh (40 tập) với chủ đề củng cố hành vi tốt cho trẻ từ 4 đến 7 tuổi. Cuốn sách chia sẻ những trải nghiệm mà chị đã có được trong hành trình đồng hành cùng ba người con của mình. Cây bút thế hệ 7X này cho rằng, để viết loại sách này, chị đã phải trả lời rất nhiều câu hỏi: Viết để làm gì, viết cho ai, liệu có thể góp phần giúp xã hội thêm tốt đẹp lên được không, cần rút kinh nghiệm gì từ những cuốn sách dịch tràn lan trên thị trường hiện nay…?
Đến đây, có lẽ chúng ta cũng có thể trả lời cho câu hỏi “Tại sao đã có đủ những cuốn sách dịch về kỹ năng làm cha mẹ của nước ngoài mà chúng ta vẫn tiếp tục ra sách của tác giả Việt Nam?”. Đúng như ý kiến của một nhà văn thì: “Đó là bởi chúng ta cần triết lý giáo dục của người Việt, một hệ thống sách công cụ hỗ trợ kỹ năng giáo dục con người của chính Việt Nam”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.