Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đông Nam Bộ hoàn thiện hạ tầng giao thông để phát triển

An Tôn| 26/04/2020 07:00

(HNM) - 45 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đông Nam Bộ đã trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, đóng góp khoảng 45% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 60% ngân sách cả nước. Một trong những yếu tố mang đến sự phát triển vượt bậc này chính là việc các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đã khắc phục khó khăn, chủ động xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông để kết nối, tạo đà hiện thực hóa khát vọng phát triển của mỗi địa phương và toàn vùng.

Nút giao thông ngã ba Cát Lái kết nối khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương Đông Nam Bộ khác và miền Bắc.

Từ chủ động khắc phục khó khăn...

Sau 45 năm phát triển, đóng góp của Đông Nam Bộ (gồm các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh) cho cả nước phần lớn đến từ mạng lưới dày đặc các khu công nghiệp, cảng biển. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ kinh tế, chuyên gia giao thông Nguyễn Hoài Nam, với sự phát triển nhanh và mạnh của toàn vùng, mạng lưới đường bộ cũ trong khu vực đã trở nên lạc hậu, quá tải. Khi ngân sách trung ương còn khó khăn cho đầu tư phát triển hệ thống đường bộ phía Nam, các địa phương đã chủ động tìm nguồn đầu tư hệ thống giao thông nội tỉnh và liên vùng để phát triển. Trong đó, Bình Dương là một điểm sáng.

Khi tách ra từ tỉnh Sông Bé ngày 1-1-1997, Bình Dương chỉ có 2.186km đường giao thông nhỏ lẻ. Để phát triển kinh tế, tỉnh đã kêu gọi nhiều nguồn vốn trong và ngoài tỉnh vào đầu tư, trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) trong giao thông và đạt được thành công ngoài mong đợi. Cụ thể, quốc lộ 13 nhỏ hẹp được Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH một thành viên (Becamex IDC) đầu tư mở rộng thành Đại lộ Bình Dương bề thế dài 62km, 6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 680 tỷ đồng. Đường tỉnh ĐT741 dài 49km do Tập đoàn Cao su Việt Nam làm chủ đầu tư theo hình thức BOT, được mở rộng lên 6 làn xe. Đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 38km, quy mô 8 làn xe do Becamex IDC đầu tư 3.500 tỷ đồng xây dựng.

"Các tuyến giao thông nối Bình Dương với các tỉnh, thành xung quanh cùng hệ thống các đường ngang chằng chịt nối các trục xương sống này… là thành quả của một cách làm táo bạo. Hệ thống giao thông thuận lợi này đã góp phần để sau hơn 20 năm phát triển, Bình Dương vươn lên thứ hai cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (sau thành phố Hồ Chí Minh), thu nội địa đứng thứ ba cả nước (sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội)...", Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết.

Trong khi đó, tại tỉnh Đồng Nai, chính quyền đã chủ động khắc phục khó khăn về nguồn vốn, tích cực tìm nguồn đầu tư nên những năm gần đây, bức tranh giao thông đường bộ của Đồng Nai có nhiều khởi sắc ấn tượng. Chẳng hạn, các tuyến quốc lộ 1A, 20, 51 đi qua địa bàn tỉnh đều đã được sửa sang, nâng cấp. Tương tự, các tỉnh Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh huy động nguồn lực để phát triển giao thông. Đơn cử, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai đang phối hợp gấp rút khởi công Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nhằm khai thác tối đa năng lực Cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, nơi có các chuyến tàu mẹ chở container - nối trực tiếp châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua nước thứ ba, tới các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. "Tỉnh quyết dồn lực để triển khai Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu", ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.

... đến những công trình tạo sự liên kết phát triển

Thời gian qua, Bình Dương đã có bước phát triển mạnh mẽ nhờ gắn kết xây dựng hạ tầng với phát triển đô thị. Hiện Bình Dương đã hình thành hệ thống giao thông, tạo sự liên kết và phát huy hiệu quả tiềm năng trong vùng. Đó là các trục giao thông dọc theo hướng Bắc - Nam như đại lộ Bình Dương (quốc lộ 13), đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường ĐT741; theo hướng Đông - Tây như hệ thống đường tạo lực, Đường 7A… cùng với các cầu như Thới An, Thủ Biên... Trong khi đó, ngoài các tuyến đường huyết mạch quốc gia đã được nâng cấp, đưa vào sử dụng như các quốc lộ 1, 51, 20..., Đồng Nai đã có thêm hàng loạt công trình trọng điểm, biểu tượng như cầu Đồng Nai, cầu Hóa An, hầm chui Tam Hiệp, đường Võ Nguyên Giáp, nút giao Vũng Tàu… Đặc biệt, tỉnh đang phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Dự án cầu Cát Lái qua sông Đồng Nai, thông tuyến huyết mạch từ Tây Nam Bộ sang Đông Nam Bộ.

Là hạt nhân phát triển của toàn vùng, sau 45 năm thống nhất cùng đất nước, thành phố Hồ Chí Minh hiện có diện tích 2.095km², lớn hơn gấp 30 lần so với Sài Gòn trước năm 1975 (67,5km²). Cùng với những công trình giao thông trọng điểm được đầu tư từ ngân sách trung ương như cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên…, thành phố đã chủ động huy động nhiều nguồn lực để phát triển mạng lưới giao thông rộng khắp với những công trình giao thông lớn, phục vụ sự phát triển của đầu tàu kinh tế cả nước.

Ông Lâm Văn Giáo, 87 tuổi, ngụ tại quận 8, từng tập kết ra Bắc rồi trở về tiếp quản thành phố Hồ Chí Minh năm 1975, là một trong những người được chứng kiến sự đổi thay lớn lao của thành phố. Với giọng nói sang sảng, mạch lạc, ông kể cho chúng tôi về sự hoang vu của vùng đất phía Bắc thành phố, sau này trở thành đại lộ Phạm Văn Đồng, con đường nội đô đẹp nhất thành phố Hồ Chí Minh; con đường nhỏ hẹp cũ kỹ, nay trở thành tuyến đại lộ Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt thênh thang kết nối Đông - Tây; những vùng sình lầy phía Nam, nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh 10 làn xe; ngã ba sông Sài Gòn, sông Đồng Nai rộng lớn, giờ có cây cầu Phú Mỹ bắc ngang lúc nào cũng nườm nượp xe cộ. “Thành phố thay đổi quá nhiều. Giờ nó quá rộng và đẹp, vượt mọi sự tưởng tượng của tôi”, ông Lâm Văn Giáo xúc động nói.

Những công trình giao thông mà ông Lâm Văn Giáo nhắc đến là những công trình mang tính biểu tượng của thành phố Hồ Chí Minh, thể hiện sự năng động, dám nghĩ, dám làm và khả năng kết nối, thu hút các nguồn lực của thành phố mang tên Bác. Cây cầu Phú Mỹ dài hơn 2.000m nối các địa phương phía Bắc và phía Đông thành phố Hồ Chí Minh với vùng Đồng bằng sông Cửu Long là dự án BOT với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 18km, rộng 120m, có tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đại lộ Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt (đại lộ Đông - Tây) dài 22km, rộng 70m, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng từ vốn ODA Nhật Bản...

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho hay, năm 2020, thành phố sẽ khởi công hơn 20 dự án trọng điểm và hoàn thành hàng loạt dự án đã khởi công trước đó để từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển dài hạn. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan thông tin thêm, trong năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai 2 dự án lớn, gồm cầu dây văng Cần Giờ ở phía Nam, tổng vốn đầu tư 5.300 tỷ đồng theo hình thức BOT kết hợp BT (xây dựng - chuyển giao) và cầu Bình Tiên ở phía Bắc, với tổng mức đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng theo hình thức BT. “Những công trình này sẽ góp phần mở rộng, hoàn thiện hạ tầng giao thông của thành phố Hồ Chí Minh theo hướng đồng bộ, hiện đại”, ông Võ Văn Hoan nói.

Có thể nói, hệ thống hạ tầng giao thông do các địa phương vùng Đông Nam Bộ chủ động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách triển khai sẽ cùng các công trình mang tính "trợ lực" đang được đầu tư từ ngân sách trung ương (sân bay Long Thành, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh...) là những nền tảng để khu vực này tiếp tục duy trì vị thế đầu tàu kinh tế của đất nước. Qua đó, góp phần xây dựng Đông Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung trở nên hùng cường sau 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Nam Bộ hoàn thiện hạ tầng giao thông để phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.